Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt mang lại thuận tiện cho người dân
Mang lại lợi ích tối đa cho người dân
Trước đây, để nhận tiền trợ cấp hàng tháng, anh Cao Văn Ninh, đối tượng người khuyết tật nặng (ở thôn Lưu Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đều đi xe ba bánh đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đức Giang để nhận số tiền trợ cấp hơn 660.000 đồng/tháng; thì nay, tại nhà anh vẫn có thể nhận đầy đủ số tiền qua tài khoản ngân hàng.
Anh Ninh cho biết: "Từ tháng 6/2023 đến, cứ mùng 10 hàng tháng, tôi đều nhận được tiền trợ cấp qua tài khoản cá nhân. Đây là điều tôi mong muốn từ lâu, bởi việc phải đi lại với tôi là khá khó khăn".
Theo anh Ninh, mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền trợ cấp, không mất chi phí và được hướng dẫn nhiệt tình. "Việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là cách làm rất thuận lợi khi chúng tôi không phải nhớ ngày, không phải xếp hàng đợi chờ mỗi khi đến ngày nhận tiền", anh Ninh bày tỏ.
Hà Nội phấn đấu thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội. Ảnh minh họa |
Tương tự, cũng như thân nhân của nhiều đối tượng bảo trợ xã hội khác, anh Trần Văn Hùng (ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đều phải đến bưu điện hoặc phường để lấy tiền chế độ người cao tuổi cho người thân.
Tuy nhiên, từ khi được hướng dẫn và hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng, toàn bộ số tiền hàng tháng của người thân theo chế độ đều được chuyển vào tài khoản cá nhân mới mở, đồng thời thông báo tin nhắn đến điện thoại của anh.
"Trước kia, nếu bận việc thì phải tháng sau mới nhận. Bây giờ, được ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản và làm thẻ ATM rất tiện lợi", anh Hùng chia sẻ.
Anh Cao Văn Ninh và người thân của anh Trần Văn Hùng là 2 trong 17.718 đối tượng bảo trợ xã hội ở Hà Nội đăng ký nhận tiền an sinh xã hội chi trả qua tài khoản.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có 291.301 người đang hưởng ưu đãi an sinh xã hội hàng tháng gồm: Bảo trợ xã hội: 203.933 người; người có công: 80.787 người; đối tượng khác: 6.581 người.
Trong tổng số 291.301 người đang hưởng trợ cấp có: 671 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi; 95.200 người khuyết tật đặc biệt nặng; số còn lại đa phần là người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên.
Số người đã có tài khoản (tính đến trước ngày 7/1/2024): 38.244/291.301 (đạt tỷ lệ 13,13%). Số người được chi trả qua tài khoản: 17.718/38.244 (đạt tỷ lệ 46,3% tổng số người đã có tài khoản); kinh phí thực hiện chi trả qua tài khoản 39.628 triệu đồng.
Ngày 7/1 vừa qua, UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 61/UBND-KSTTHC về mở đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.
Trong đó, xác định đảm bảo 100% người dân đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 được thực hiện chi trả qua tài khoản; khuyến khích, vận động, tuyên truyền cho những người dân được hưởng an sinh xã hội có nhu cầu chi trả qua tài khoản và hỗ trợ việc đăng ký tài khoản;
Đối với các trường hợp yếu thế, gặp nhiều khó khăn hoặc không có khả năng trong việc giao dịch, nhận trợ cấp qua tài khoản thì xây dựng các phương án, cách thức hỗ trợ phù hợp với đặc điểm tình hình và nhu cầu của người dân; đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đơn giản và thuận tiện.
Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong chuyển đổi số
Ngày 9/1, tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử thành phố và thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện hưởng chính sách thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ quan điểm: "Làm sao phải thuận lợi nhất cho người dân. Song song với đó, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, không để các cụ nghỉ hưu phải rút tiền nhiều lần".
Đoàn viên thanh niên tình nguyện hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội cho biết: Việc bảo đảm để người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội được chi trả kịp thời, minh bạch, thuận tiện được ưu tiên hàng đầu.
Theo ông Dân, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại Hà Nội người dân sẽ được thụ hưởng nhiều tiện ích.
Tiện ích thứ nhất là về thời gian. Người dân thuộc diện được hưởng chính sách được bảo đảm nhận ưu đãi đúng thời gian, các trường hợp thụ hưởng, số tiền theo danh sách chi trả do ngành Lao động, Thương binh - Xã hội cung cấp. Công tác tổ chức chi trả được thực hiện một cách khoa học và hợp lý để người nhận không phải xếp hàng chờ đợi lâu.
Tiện ích thứ hai là về các phương thức thanh toán chi trả ưu đãi xã hội. Công tác chi trả ưu đãi an sinh xã hội được thực hiện bởi các đơn vị Nhà nước và dịch vụ bưu chính công ích bảo đảm tính chuyên nghiệp, được quản lý thống nhất, bảo đảm an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, công tác an toàn tiền mặt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, chuyên nghiệp.
Người dân cũng có thể lựa chọn bất kỳ một trong các hình thức phù hợp với nhu cầu của bản thân và đặc thù nơi cư trú. Đơn cử như rút tiền trực tiếp tại các điểm rút tiền của ngân hàng; rút tiền tại các Bưu cục, Điểm Bưu điện Văn hóa xã hoặc các điểm thuê tại UBND cấp xã của chi cục Bưu điện.
Với chủ trương của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP. Hà Nội là "đem lại lợi ích tối đa cho người dân", các trường hợp được hưởng ưu đãi xã hội khi đăng ký tài khoản để nhận chi trả an sinh xã hội sẽ được miễn phí toàn bộ các chi phí liên quan đến mở thẻ, duy trì thẻ và phí rút tiền tại các điểm rút tiền của ngân hàng trong quá trình sử dụng.
TP. Hà Nội xác định "thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý" là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi, thụ hưởng và nhận định đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt là khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" trong công cuộc chuyển đổi số; góp phần vào công tác phòng chống tiêu cực, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực an sinh xã hội, đảm bảo chi trả đúng chính sách, đúng đối tượng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, trục lợi đã xảy ra và kéo dài trong thời gian qua. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất trong xã hội và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhóm đối tượng "yếu thế" đặc thù trên.