Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu và hành trình hiến máu nóng tiếp hi vọng cho bệnh nhân cấp cứu
23 năm tiếp hi vọng cho “người dưng”
Gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Châu (SN 1982, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) trong ngôi nhà tại ngõ nhỏ giữa lòng TP. Đà Nẵng, chúng tôi được nghe câu chuyện truyền cảm hứng của chị về hành trình hiến máu tình nguyện, tiếp hi vọng cho những bệnh nhân cần máu, nhất là bệnh nhân cấp cứu.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu trong một lần tham gia hiến máu tình nguyện (Ảnh:NVCC) |
Trưởng thành trong môi trường Đoàn, 19 tuổi, khi nghe thông tin Đoàn phường Xuân Hà vận động đoàn viên, thanh niên hiến máu nhân đạo, cô thiếu nữ Ngọc Châu là nữ thanh niên duy nhất đăng ký tham gia chương trình cùng các nam thanh niên trong phường. Thời điểm năm 2001, mặc dù hoạt động hiến máu là vô cùng ý nghĩa nhưng do công tác tuyên truyền, tính phổ biến còn hạn chế nên còn rất nhiều người chưa hiểu và nhận thức đúng về việc hiến máu, thậm chí, không ít người cho rằng hiến máu có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
“Khi biết tôi tham gia hiến máu mẹ tôi lúc đầu cũng không đồng ý vì lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng sau khi tôi phân tích, thuyết phục, thậm chí là đánh bạo ‘lì’ ra thì mẹ không thắc mắc nữa. Ít lâu sau, khi ở bệnh viện, thấy nhiều bệnh nhân cần máu được truyền máu, thấy việc thiếu thốn nguồn máu cho bệnh nhân thì mẹ tôi càng hiểu rõ việc hiến máu có ý nghĩa như thế nào”, chị Ngọc Châu chia sẻ và cho biết, những lần hiến máu sau đó, mẹ chị còn động viên, bồi dưỡng cho chị sau khi hiến máu.
Cũng từ những lần tham gia, thấy được ý nghĩa của việc hiến máu, từ bị động hiến máu theo vận động, chị Ngọc Châu đã chuyển sang chủ động xung phong tham gia hiến máu.
Bước chuyển lớn trong hành trình “cho đi” của chị Ngọc Châu là vào năm 2006, chị tham gia Câu lạc bộ 25 Hiến máu tình nguyện TP. Đà Nẵng. Đây là Câu lạc bộ chuyên hỗ trợ hiến máu nóng cho các bệnh nhân bệnh nặng, bệnh nhân cấp. “Mỗi thành viên tham gia Câu lạc bộ 25 đều trong trạng thái sẵn sàng có thể hiến máu nóng bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không phân ngày đêm, bao gồm cả Lễ, Tết. Có năm ngày mùng 2 Tết tôi đã đi hiến máu cấp cứu”, chị Ngọc Châu cho hay và kể: “Có một lần tôi được gọi tham gia hiến máu nóng đột xuất cho bệnh nhân tại bệnh viện. Thấy sự lo sợ và lo lắng của người nhà bệnh nhân, tôi càng thấy rõ sự quan trọng của việc hiến máu nhân đạo nên càng có động lực hiến máu và vận động người thân, bạn bè cùng hiến”.
Tham gia hiến máu nóng, chị Ngọc Châu cũng như các tình nguyện viên hiến máu khác đều không biết thông tin gì về bệnh nhân cần hiến máu, mà chỉ sẵn sàng cho máu khi họ cần. “Chúng tôi không biết bệnh nhân là ai, nhưng chúng tôi biết họ cần máu và chúng tôi có thể giúp. Sau mỗi lần hiến máu, nhận lời cảm ơn, đôi khi kèm cả những giọt nước mắt của người nhà người bệnh, chúng tôi cảm thấy mình đã góp được một phần nhỏ nhưng ý nghĩa, tiếp sức cho các bệnh nhân vượt qua bạo bệnh”, chị Ngọc Châu bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu và anh Thái Văn Nhơn đã có gần 80 lần hiến máu, hiến tiểu cầu |
Tuyên truyền viên uy tín
Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, chị Ngọc Châu còn là một điển hình dân vận khéo trong công tác vận động hiến máu tình nguyện. Từ chính câu chuyện của bản thân mình, chị đã vận động người dân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu nhân đạo. Trong đó, trường hợp “đặc biệt” được chị vận động tham gia hiến máu chính là anh Thái Văn Nhơn – chồng chị. “Năm 2010, trong một lần đưa tôi đi tham gia hiến máu tình nguyện, anh Nhơn tận thấy giá trị của những giọt máu cho đi, anh đã quyết định hiến máu. Có sự động viên và đồng hành của vợ, cùng sự đồng cảm, sẻ chia, từ đó, anh Nhơn hiến máu thường xuyên 3 – 4 lần/năm. Chính anh cũng dần trở thành một tuyên truyền viên kêu gọi hiến máu nhân đạo”, chị Ngọc Châu nói.
Anh Thái Văn Nhơn vui vẻ cho biết, bản thân khi hiến máu lần đầu cũng chưa hoàn toàn thấy được ý nghĩa lớn của việc hiến máu. Nhưng theo dõi các thông tin trên báo đài, tận thấy những trường hợp cấp cứu cần máu, rồi thấy vợ mình – chị Ngọc Châu luôn kiên trì hành trình “cho đi”, bản thân anh dần thay đổi suy nghĩ “Mình còn cho đi nghĩa là mình còn khỏe”. Vì vậy, từ một lần được vận động hiến tiểu cầu đột xuất tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và phù hợp, anh Nhơn đã tích cực tham gia hiến tiểu cầu (một lần hiến tiểu cầu được quy đổi bằng 3 lần hiến máu). Bền bỉ đến nay, hơn 10 năm, anh Nhơn đã có hơn 30 lần hiến “tiểu cầu”.
Chia sẻ công tác dân vận trong hiến máu, chị Ngọc Châu cho biết, có người bạn chị đã từng nói với chị là khi hiến máu đừng khoe, đừng đăng facebook, làm việc tốt mà khoe thì không còn ý nghĩa. “Tôi đã nói với bạn tôi rằng, thông tin trên mạng xã hội không phải để khoe, mà tôi muốn thông qua những hình ảnh đó động viên, vận động mọi người tham gia. Lấy bản thân mình làm bằng chứng cho việc hiến máu vẫn khỏe, vẫn bình thường để mọi người thấy và có động lực, không còn sợ khi tham gia hiến máu”, chị Ngọc Châu kể.
23 năm đã qua đi, trong đó, có tới 18 năm tham gia hiến máu nóng, với 45 lần tham gia hiến máu, chị Nguyễn Thị Ngọc Châu vẫn tiếp tục hành trình “cho đi” của mình với tâm niệm “Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa”.