Cao Bằng: Nhiều điểm sáng trong công tác tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, công tác dân tộc được triển khai trên địa bàn đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội của nhiều gia đình, người dân trong tỉnh. Điều này có được nhờ sự tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”.
Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trường THPT Lý Bôn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: UBND tỉnh Cao Bằng |
Đặc biệt, công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới và đa dạng, hướng tới đối tượng là các học sinh vị tuổi thành niên. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công 25 Hội thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cũng như 12 hội thi bằng hình thức sân khấu hóa tại huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc.
Tỉnh cũng đã tổ chức 93 buổi ngoại khoá, hoạt động giáo dục truyền thông, tư vấn cho gần 8.000 học sinh tại 32 trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; nói chuyện chuyên đề tại 20 trường Trung học cơ sở của 4 huyện (Bảo Lạc, Hạ Lang, Hà Quảng, Trùng Khánh) về sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lồng ghép phổ biến kiến thức về nâng cao chất lượng dân số, với 2.687 người tham dự.
Không chỉ hướng tới đối tượng là các học sinh, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng đã xây dựng bộ tài liệu tập huấn gồm 4 chuyên đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã duy trì 7 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, và tiếp tục xây dựng 26 mô hình tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, theo UBND tỉnh Cao Bằng, tình trạng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra. Năm 2023, toàn tỉnh có 95 trường hợp tảo hôn xảy ra tại các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm và 04 cặp kết hôn cận huyết thống xảy ra tại huyện Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang. Trong 6 tháng đầu năm 2024, dù không xảy ra trường hợp kết hôn cận huyết thống nào, trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh 55 cặp tảo hôn, tăng 34 cặp so với cùng kì năm 2023.
Nạn tảo hôn đã đi nhiều cơ hội học tập, khiến đời sống kinh tế của nhiều gia đình gặp khó khăn. Ảnh: UBND tỉnh Cao Bằng |
Chính vì vậy, tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hóa và hiểu biết của người dân, nhất là vùng DTTS với các hình thức đa dạng, linh hoạt, nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức, tư duy cũ về việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết; phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại địa phương, nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.