Thứ hai 25/11/2024 01:40

Cảnh giác các chiêu trò lừa đảo tiền từ tài khoản ngân hàng

Tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đang tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, có xu hướng thay đổi về phương thức, thủ đoạn.

Ngân hàng luôn là tầm ngắm của tội phạm công nghệ cao

Thời gian qua, nhiều ngân hàng lớn ở nước ta đều liên tục có cảnh báo tới người dùng về nạn lừa đảo ngân hàng đang hoành hành trở lại.

Vừa qua, Ngân hàng Xây dựng (CB) cảnh báo kẻ gian mạo danh website, fanpage ngân hàng, sử dụng logo, hình ảnh và thông tin liên quan để lừa đảo các ứng viên tìm việc; đã có khách hàng mất tiền oan vì chiêu lừa này. Khi ứng viên truy cập các trang web giả mạo này, kẻ gian yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân quan trọng, thực hiện giao dịch chuyển tiền để làm thủ tục tuyển dụng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phát đi thông báo xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới, kẻ gian gửi mã QR qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber… để lừa đảo khách hàng quét mã, nhằm chiếm đoạt tài khoản đăng nhập ngân hàng điện tử hoặc thu thập các thông tin liên quan tới thẻ tín dụng.

Một số tin nhắn mạo danh các ngân hàng chứa những đường link giả được gửi đến khách hàng. Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Còn Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho hay, xuất hiện trở lại tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn ngân hàng, yêu cầu khách hàng bấm vào đường link giả mạo đính kèm. Đường link này dẫn đến một website giả mạo có giao diện giống website của ngân hàng, yêu cầu khách hàng nhập tên đăng nhập và mật khẩu cùng mã OTP. Nếu thực hiện theo, kẻ gian sẽ lợi dụng để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng.

Các ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, Agribank… cũng cảnh báo khách hàng cảnh giác với chiêu lừa mạo danh cơ quan thuế, liên hệ với người dùng qua nhiều hình thức để hỗ trợ quyết toán thuế, đề nghị cập nhật thông tin khai thuế, hỗ trợ thủ tục hoàn thuế... rồi cung cấp các đường link tải ứng dụng thuế giả mạo và đề nghị người dùng cài đặt ứng dụng. Thủ đoạn này nhằm thu thập thông tin thao tác trên điện thoại; thu thập thông tin mã OTP, Smart OTP hoặc chiếm quyền điều khiển thiết bị truy cập các ứng dụng ngân hàng.

Dữ liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận hơn 4.000 báo cáo từ người dùng Internet về các hành vi lừa đảo. Trong đó hơn 95% là các hành vi lừa đảo nhắm vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Theo thông tin từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 12.360 phản ánh lừa đảo từ người dân. Trong đó, lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân chiếm 27,4%, lừa đảo tài chính chiếm 76,2%.

Muôn kiểu lừa đảo trên không gian mạng

Theo thượng tá Cao Việt Hùng - Phó Trưởng phòng 4 Cục A05 (Bộ Công an), công tác đầu tư, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin của các ngân hàng chưa tương xứng với tốc độ phát triển.

Tin tặc thường xuyên tập trung tìm kiếm, khai thác các lỗ hổng bảo mật, sơ hở thiếu sót trong quy trình hoạt động cung cấp dịch vụ để đánh cắp thông tin khách hàng, chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, một số hình thức lừa đảo phổ biến như: Mua bán, sử dụng trái phép thông tin thẻ ngân hàng; thanh toán khống hàng hóa, dịch vụ qua POS. Hay lợi dụng chức năng trợ năng trên các thiết bị cầm tay để chiếm quyền điều khiển thiết bị; tuyển cộng tác viên bán hàng online, người mẫu nhí, làm nhiệm vụ đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán,... Lập website, giả mạo nhân viên các ngân hàng, công ty tài chính đăng bài quảng cáo cho vay thủ tục nhanh, gọn, yêu cầu nộp các loại phí để chiếm đoạt tài sản;…

Đặc biệt, kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ AI (Deepfake), (Deepvoice) liên hệ người thân, bạn bè chuyển tiền; giả mạo dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; lập doanh nghiệp “ma”, mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền đầu tư chứng khoán, Forex,... sau đó chiếm đoạt.

Đặc biệt, một số hình thức mới như dán đè mã QRCode tại các cửa hàng để chiếm đoạt tài sản; tạo hóa đơn giả đã chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản; giả danh nhân viên ngân hàng, đề nghị khách hàng cung cấp thông tin thẻ và sử dụng trái phép để mua hàng hóa, dịch vụ;… cũng xuất hiện nhiều.

24 hình thức lừa đảo diễn ra trên không gian mạng. Ảnh: Cục An toàn thông tin

Cần nâng cao nhận thức cho người dân

Thượng tá Cao Việt Hùng nhìn nhận, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng diễn ra cách đây 2 năm nhưng đến bây giờ người dân vẫn bị, vì công tác tuyên truyền chưa liên tục.

"Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân thường xuyên và liên tục bằng nhiều hình thức", ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng với đó, các ngân hàng cần nâng cao, tăng cường hơn công tác phối hợp giữa Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để xây dựng quy trình phối hợp nhằm hạn chế tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ, ngăn chặn sớm dòng tiền và việc vi phạm pháp luật.

Đồng thời, cần tăng cường an ninh, bảo mật hệ thống thông tin, phòng chống mã độc, mua bán dữ liệu khách hàng. Tập trung giải quyết triệt để tình trạng tài khoản ngân hàng "rác", sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ phục vụ hoạt động vi phạm pháp luật như lừa đảo, đánh bạc, rửa tiền...

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Phú Lương - đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) - khuyến nghị: Để đảm bảo an toàn trên không gian mạng, người dân tuyệt đối bảo mật các thông tin cá nhân của bản thân.

"Sử dụng các tính năng bảo mật để bảo vệ các tài khoản trực tuyến. Khuyến nghị dùng tất cả các tính năng bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, người dân cần giữ bình tĩnh trước các tình huống bất ngờ trên không gian mạng. Phải ngay lập tức trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện bị trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.... ", ông Lương cho hay.

Ngọc Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: An toàn thông tin

Tin cùng chuyên mục

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Hàng Việt và giải pháp đối mặt với những ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?

Giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc cuối năm để về đích

Hành vi thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Cần làm gì để không tái diễn?

Cấm phân lô, bán nền có kiểm soát được thị trường bất động sản?

Khi doanh nghiệp vào cuộc cho những mục tiêu lớn của công nghệ cao và phát triển xanh

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo

Chống lãng phí: Thiếu vật liệu san lấp dự án giao thông sao không dùng tro xỉ?

Vụ GFDI vỡ nợ hơn 3.700 tỷ đồng: 'Bánh ngọt' liệu có dễ xơi?

Chi Dân, An Tây và loạt nghệ sĩ dính đến ma tuý: Nghĩ về trách nhiệm của người nổi tiếng

Có tiền nhàn rỗi, mua vàng cất giữ hay gửi tiết kiệm ngân hàng lúc này?

Chuyện giá vàng trong nước: Cầm vàng đừng để vàng 'rơi'

Phụ huynh học sinh cần làm gì để giảm thiểu tai nạn giao thông cho con em?

Hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam và câu chuyện ‘tiếp sức’ cho hàng hoá Việt

Ô tô điện ồ ạt ra mắt, gỡ nút thắt quy hoạch trạm sạc tại Việt Nam ra sao?

Xuất khẩu gạo Việt Nam 2024: Bứt phá ngoạn mục vẫn cần tỉnh táo

Bài học nhìn từ những dự án đội vốn, chậm tiến độ