Thứ sáu 08/11/2024 15:34
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Cần dồn sức và đa dạng hóa nguồn lực phát triển Chính phủ điện tử

“Để không bỏ lỡ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 diễn ra sáng ngày 18/7, tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn

Hướng đi tất yếu

Vietnam ICT Summit năm 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và kinh tế số”, do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đồng tổ chức. Tại diễn đàn, từ các kinh nghiệm quốc tế thành công đã cho thấy hướng đi tất yếu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số minh bạch, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, tạo các cơ hội lớn để phát triển kinh tế số.

Chẳng hạn, câu chuyện Estonia, quốc gia nhỏ bé nhưng đã vươn lên trở thành quốc gia số hoá thành công nhất thế giới. Quyết tâm cao độ của chính phủ nước này cùng với khoản ngân sách 70 ngàn USD để triển khai dự án chính phủ điện tử đầu tiên, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia của nước này đã cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu (1.500 dịch vụ trực tuyến) cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử (eID), xác thực thông qua số điện thoại (MobileID) cùng chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước.

Diễn đàn năm nay diễn ra với chủ đề "Hướng tới Chính phủ số và kinh tế số"

Đặc biệt, phải kể đến Hệ thống thông tin phục vụ họp Chính phủ (e-Cabinet) và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation), giúp các cơ quan đầu não có thể theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng. Các hệ thống này giúp tăng hiệu quả, giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ, thậm chí tạo nên “kỳ tích” khi có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 01 phút… Đó là thực tế đang diễn ra tại Estonia.

Bài học trong việc thực thi triển khai chính phủ điện tử tại Malaysia và 10 quốc gia khác lại dựa trên mô hình PEMANDU (Performance Management Delivery Unit) với 8 bước BFR (Big Fast Result) gồm: Đặt mục tiêu đúng đắn; xây dựng kế hoạch chi tiết; chọn ngày công bố; chỉ ra đường lối thực hiện rõ ràng; xây dựng, đo lường và giám sát bằng KPI (Key Performance Indicator) rõ ràng; thực thi và giải quyết các vấn đề; đánh giá kết quả từ bên ngoài; Báo cáo tổng kết định kỳ hàng năm và rút kinh nghiệm. Qua gần 10 năm, PEMANDU đã giúp Malaysia tạo ra được 2,6 triệu việc làm; tỉ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ 6,6% còn hơn 3%.

Diễn đàn có sự tham dự của trên 650 đại biểu

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cho biết, Chính phủ số được công nhận là một sáng kiến quan trọng đối với cải cách hành chính công, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu nỗ lực cho cả Chính phủ và người dân. Việc xây dựng Chính phủ số tạo ra các giá trị mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp các Chính phủ minh bạch và hiệu quả hơn. Chính phủ Việt Nam đang thể hiện những nỗ lực và quyết tâm cao trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số minh bạch, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân. Một loạt các kế hoạch, chương trình được đặt ra, phấn đấu đưa Việt Nam vào Top 4 ASEAN về dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử.

“Sự khác biệt giữa diễn đàn năm nay với các diễn đàn trước ở chỗ, chúng ta đã có được sự quyết tâm cao của Chính phủ vì vậy diễn đàn lần này sẽ cùng chung tay, bắt tay vào hành động. Trong bối cảnh cuộc cách mạng số đang bùng nổ trên toàn cầu như hiện nay, muốn giấc mơ lớn của đất nước trở thành hiện thực, chúng ta cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và phải làm ngay, làm quyết liệt, đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai” - ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm tại diễn đàn

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, diễn đàn là dịp để tất cả chúng ta cùng chia sẻ tư duy và tầm nhìn về chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - một cơ hội vàng để Việt Nam có thể “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” về phát triển công nghệ và kinh tế. Cuộc cách mạng công nghiệp này đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt các chương trình cải cách trên 4 yếu tố nền tảng gồm: Đột phá về thể chế; phát triển và nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển nguồn nhân lực.

Trên cơ sở 4 yếu tố nền tảng này, chúng ta cần thúc đẩy chuyển đổi quản trị và sản xuất theo 4 trụ cột. Đó là, chuyển đổi nền quản trị quốc gia, trước hết là xây dựng chính phủ điện tử, dần tiến tới chính phủ số và phát triển thành phố thông minh; chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn; áp dụng các công nghệ và phương thức tổ chức kinh doanh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nhanh chóng chuyển đổi sản xuất trong các ngành có lợi thế, có tiềm năng phát triển; xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển các công nghệ tiên tiến, giúp Việt Nam vượt lên ở một số lĩnh vực của công nghệ 4.0…

Quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử

Tại diễn đàn năm nay, Thủ tướng đã thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Thành viên ủy ban, ngoài Bộ trưởng các Bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng Chính phủ điện tử còn có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để tăng cường và bảo đảm cơ chế hợp tác công - tư chặt chẽ trong tiến trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc quyết định thành lập ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Nhiều công nghệ mới đã được giới thiệu tại diễn đàn năm nay

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số.

Thủ tướng nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm, lộ trình cụ thể và thiết lập hệ thống chỉ số giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.

Theo Thủ tướng, có nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam xung quanh 3 trụ cột chính. Đó là hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế. Tiếp theo là tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thứ ba là chính sách chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.

Đa số những công nghệ được giới thiệu tại diễn đàn là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay

Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử trong ngắn hạn và trung hạn và rà soát, sắp xếp lại nguồn lực và huy động nguồn lực còn thiếu từ các nguồn, kể cả xã hội hóa và vay thương mại; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.

"Cần dồn sức và đa dạng hóa nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ các đề xuất, kiến nghị cụ thể của diễn đàn; đồng thời giao Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chủ trì cùng với các tổ chức xã hội khác thực hiện việc giám sát độc lập từ góc nhìn của khu vực tư nhân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy kinh tế số tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Chính phủ đề ra trong các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm thứ 8 tổ chức, Vietnam ICT Summit có sự tham dự của trên 650 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, 10 Bộ và các cơ quan ngang Bộ; 31 cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 12 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cùng đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Chính phủ điện tử

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024

Khơi thông nguồn lực từ những dự án ách tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Luật Điện lực (sửa đổi): Tháo gỡ chính sách, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về điện

Công điện của Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó bão Yinxing

Trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ Cuba Hernandez Guillén đến chào từ biệt

Điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sự cố máy bay Yak-130: Bộ trưởng Phan Văn Giang gửi thư khen hai phi công bản lĩnh, tự tin

Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ

Bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 2 giữa Trung tướng Phạm Hồng Chương và Thiếu tướng Trần Văn Bắc

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024) - Cuộc cách mạng của nhân dân

Xử lý SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của tổ chức kiểm toán

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thiết kế 'luồng xanh' để hút vốn đầu tư

Thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Quảng Tây, Trung Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, thăm chính thức Chile và Peru

Tại sao cơ sở tư nhân mua được thiết bị y tế rẻ hơn cơ sở công lập?