Đứng thứ hai bảng xếp hạng của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính
Cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm đưa đất nước bứt phá, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chuyển đổi số góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội ứng phó kịp thời với những thách thức mới. Với tính tất yếu của tiến trình chuyển đổi số hiện nay, đòi hỏi toàn quân cần quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này theo tiến trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Quân đội hiện đại.
Tại Hội nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tháng 5/2024, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong toàn quân. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân |
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số” 1 là một trong ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số là một trong những nội dung trọng tâm nhằm tạo ra những động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước trong tình hình mới.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là khâu đột phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cơ quan Bộ Quốc phòng. Hiểu được tầm quan trọng của việc cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, thời gian qua, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã bám sát thực tiễn, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Bước đầu đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện.
Bộ Quốc phòng đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin; thành lập Bộ Tư lệnh 86 và hệ thống ngành dọc toàn quân đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển về tổ chức; xây dựng, ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, từng bước hình thành thói quen xử lý thông tin trên môi trường mạng cho cán bộ, nhân viên; nghiên cứu, xây dựng thành công các hệ thống tự động hóa chỉ huy đưa vào ứng dụng phát huy hiệu quả trong thực tế giúp từng bước chuyển đổi số trong công tác sẵn sàng chiến đấu.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng, đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các phần mềm độc hại, các loại mã độc trên các hệ thống mạng máy tính của Bộ Quốc phòng. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin được đổi mới và cập nhật thường xuyên; hệ thống mạng truyền số liệu quân sự từng bước được nâng cấp, mở rộng... góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa Quân đội.
Về công tác cải cách hành chính, ngoài việc cắt giảm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ không cần thiết thì việc phổ biến, tuyên truyền, đào tạo và tập huấn nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng cũng được chú trọng.
Trong tháng 5/2024, Bộ Quốc phòng đứng thứ hai bảng xếp hạng của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và hoạt động dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhận thức về lợi ích, hiệu quả chuyển đổi số của cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ; tổ chức lực lượng chuyên trách về chuyển đổi số còn mỏng; hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ, một số thiết bị đã lạc hậu; các phần mềm ứng dụng phần lớn chưa có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; các cơ sở dữ liệu nền tảng chưa đồng bộ, liên thông, chưa được thường xuyên cập nhật; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng vẫn còn nhiều bất cập.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ này tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa tốt, hành động chưa quyết liệt; một bộ phận cán bộ, nhân viên chưa sẵn sàng thay đổi thói quen làm việc từ phương pháp truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin; còn tâm lý lo ngại mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng máy tính; tổ chức, biên chế ngành và việc đầu tư cho nhiệm vụ này còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển...
Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong Quân đội
Trong thời gian tới, việc chuyển đổi số đã và đang là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia và quân đội các nước, nhằm bảo đảm cho lực lượng vũ trang tác chiến theo hướng nhanh hơn, cơ động hơn, chính xác hơn.
Đối với Quân đội ta, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất quan tâm đến vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong Quân đội. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thiết thực đòi hỏi Bộ Quốc phòng cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số theo lộ trình của Chính phủ, đảm bảo tính liền mạch, đồng bộ khi trao đổi thông tin với các bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang được thực hiện quyết liệt. Đồng thời, tạo nền tảng, động lực quan trọng để xây dựng Quân đội hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiểm tra hoạt động một số phần mềm quản lý đạn dược, vật tư tại Tổng cục Kỹ thuật. |
Kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được, phát huy các thế mạnh của Bộ Quốc phòng về tổ chức và năng lực nghiên cứu, sản xuất, để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, toàn quân, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo bước đột phá quan trọng trong công tác chuyển đổi số; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho công tác phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong Quân đội phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả thiết thực.
Hai là, thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số được Chính phủ giao. Để làm được điều đó, trước mắt, cần tập trung duy trì hiệu quả Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa Bộ Quốc phòng, thực hiện tái cấu trúc, phân cấp giải quyết theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với Bộ. Tiếp tục phát huy hiệu quả Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử về các thủ tục xuất nhập cảnh tại Hệ thống cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý...
Ba là, xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, cơ động trong Bộ Quốc phòng trên cơ sở ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là vấn đề cơ bản và quan trọng nhất trong thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Bốn là, phát triển dữ liệu số liền mạch, tập trung, có giá trị phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong Bộ Quốc phòng.
Năm là, làm tốt công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số. Đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành chuyển đổi số thành công và bền vững, được thực hiện xuyên suốt, không tách rời tiến trình chuyển đổi số.
Cùng với các nội dung giải pháp trên, toàn quân cần coi trọng phát triển lực lượng và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, gồm: Nghiên cứu, đề xuất phát triển lực lượng ngành công nghệ thông tin, tác chiến không gian mạng toàn quân đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Xây dựng các chính sách có tính đột phá để thu hút, phát huy vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số trong quân đội.
Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo dài hạn cho lực lượng chuyên trách; cập nhật nội dung đào tạo về chuyển đổi số tại các học viện, nhà trường Quân đội để học viên khi ra trường có đủ năng lực sử dụng công nghệ số. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng công nghệ thông tin, lực lượng các ngành thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn với nội dung phù hợp cho từng loại hình đối tượng để phổ cập về chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị.
Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng là tất yếu khách quan; là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và từng quân nhân. Nhiệm vụ này cần phải được tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có tính hệ thống hơn nữa từ Bộ Quốc phòng đến các cấp trong toàn quân. Mỗi cơ quan, đơn vị, quân nhân phải xác định là một mắt xích quan trọng để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp phần chuyển đổi số thành công trong Bộ Quốc phòng.