Phấn đấu tăng trưởng GDP 7% cả năm
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 188/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Nghị quyết nêu rõ: Trong tháng 10, từ nay đến cuối năm 2024 và thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó định đoán. Ở trong nước, nền kinh tế duy trì tăng trưởng tích cực; nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả, song trước những biến động, tác động tiêu cực từ bên ngoài cùng với những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài thì khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, tiếp tục tạo áp lực lên công tác chỉ đạo điều hành và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Để góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP quý IV trên 8% và cả năm trên 7%, tạo đà cho năm 2025 Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và các đối tác quan trọng, tình hình căng thẳng tại Trung Đông và các điểm nóng, diễn biến các cuộc bầu cử lớn, biện pháp ứng phó của các nước để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội mới, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần thúc đẩy tăng trường, kiểm soát lạm phát, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Chủ động nắm chắc tình hình thị trường để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường đối với hàng hóa thiết yếu và vào dịp cuối năm. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp đối với một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá trên cơ sở đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng tác động của việc điều chỉnh giá đến lạm phát, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân để xác định đối tượng, thời điểm, mức độ và lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về điện hạt nhân
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu; chú trọng phát triển thị trường trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và chuỗi cung ứng, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp; có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà sản xuất trong nước có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu.
Tổ chức tốt các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát việc điều chỉnh chính sách thương mại và đầu tư của các đối tác lớn, quan trọng đối với xuất nhập khẩu để có phản ứng chính sách kịp thời, bảo vệ năng lực sản xuất trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó và thích ứng nhanh, kịp thời với các rào cản kỹ thuật mới, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững.
Triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn, tiềm năng, khai thác tối đa hiệu quả Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thúc đẩy ký kết FTA với cá thị trường mới (Halal, châu Phi, Trung Đông,...); đẩy mạnh thực hiện xuất khẩu nông sản chính ngạch và thương mại điện tử.
Khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường để chủ động có giải pháp sản xuất, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp cuối năm; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII; phối hợp với các bộ, cơ quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện lớn, sớm đưa vào vận hành, khai thác, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ tình huống nào.
Theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới và trong nước để chủ động các giải pháp điều hành, cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.