Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương vừa ký kết 5 Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với các thương nhân nhập khẩu gạo của Trung Quốc với tổng lượng gạo là 84.000 tấn/năm. Các nhà máy chế biến gạo của 2 công ty này được các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc đánh giá cao và đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau chuyến đi xúc tiến thương mại gạo của gần 20 doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc, đến từ Hạ Môn, Chiết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Trung Sơn, Đông Quảng, Quảng Châu, Hồ Nam, Giang Tô… tới Việt Nam tuần qua, đã có một số doanh nghiệp trong nước ký được thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.
Cụ thể, sau Hội thảo hợp tác thương mại gạo giữa Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh An Giang, 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương đã ký kết được 5 Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với các thương nhân nhập khẩu gạo của Trung Quốc với tổng lượng gạo là 84.000 tấn/năm.
|
Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất lúa gạo không chỉ cung cấp cho nhu cầu của người dân trong nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và không ngừng tăng trưởng |
|
Hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại trên hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mặc dù có ghi nhận sự sụt giảm trong thời gian gần đây, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại (như gạo hạt dài, gạo thơm, jasmine, japonica, nếp…), giá trị, chất lượng với các thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản… |
|
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Kinh doanh lương thực của Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, Lộc Trời xuất khẩu 100.000 tấn/năm sang Trung Quốc, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo. DN thường xuất khẩu những đơn hàng lớn, gần đây chúng tôi kết hợp với DN Trung Quốc bán sản phẩm gạo chất lượng cao sang Trung Quốc để kinh doanh trong siêu thị và bán trên hệ thống thương mại điện tử như Kinh Đông, Alibaba |
|
Dẫn đoàn DN Trung Quốc tham quan nhà máy sản xuất gạo của Lộc Trời, ông Dũng - cho hay, Trung Quốc là thị trường lớn, chúng tôi muốn hợp tác với các DN đưa các loại sản phẩm gạo chất lượng cao loại túi nhỏ để kinh doanh trực tiếp tại nhiều địa phương ở Trung Quốc và mở rộng thương mại điện tử. Bán gạo chất lượng cao và kinh doanh trực tiếp mang lại lợi nhuận cao hơn bán gạo xá như hiện nay. Vì vậy các DN Trung Quốc và DN trong nước có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để thực hiện việc này |
|
Các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao các loại gạo của Công ty Lộc Trời sản xuất |
|
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, đại diện doanh nghiệp Trung Quốc cho biết, đa số người dân Trung Quốc đều cư trú ở các nhà cao tầng, nhất là các thành phố lớn, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên xuất khẩu gạo đóng gói dạng nhỏ, vừa, hút chân không, khoảng 5 - 25kg |
|
Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc kiểm tra kỹ lưỡng từng hạt gạo của Công ty Lương thực Tấn Vương |
|
Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc kiểm tra nguyên tắc bóc vỏ thóc gạo tại Công ty Tấn Vương |
|
Các doanh nghiệp Trung Quốc dùng điện thoại ghi lại hình ảnh thực tế từ máy sản xuất gạo của Công ty Lương thực Tấn Vương |
|
Họ đánh giá cao về chất lượng gạo của công ty này |
|
Quan sát khâu công nhân đóng gạo vào bao để xuất khẩu |
|
Quan sát kiểm tra khâu xay xát gạo... |
|
Công nhân thực hiện khâu may bao khi đủ khối lượng gạo theo tiêu chuẩn |
|
Đại diện Công ty Lộc Trời giới thiệu về các tiêu chuẩn chất lượng gạo của công ty với các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc |
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lúa gạo lớn nhất của Việt Nam, nên nhiều hoạt động xúc tiến thương mại gạo được Bộ Công Thương tổ chức liên tục trong thời gian qua. Năm 2018, theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch gạo nhập khẩu của Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 740 triệu USD, chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Được biết, hồi đầu năm, Tổng công ty Lương thực Miền Nam – CTCP (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm nông nghiệp công nghệ cao quốc gia Sơn Đông Trung Quốc (FVC) đã ký kết biên bản ghi nhớ xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc.
Hoàng Tỷ - Thế Vĩnh