Cần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ít người
Dân tộc Brâu chủ nhân nhiều giá trị văn hóa cổ truyền |
Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc
Hiện hai dân tộc Rơ-mâm và Brâu có số dân gần 500 người, mỗi dân tộc cư trú trong một làng duy nhất. Người Brâu cư trú tại làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Người Rơ-măm cư trú tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Dân tộc Brâu là chủ nhân của nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, đặc biệt là âm nhạc dân gian. Dân ca có lời ca về thần sáng tạo Pa Xây, truyện cổ có tính huyền thoại Un Cha-Đak Lếp (lửa cháy, nước ngập) lý giải nguồn gốc dân tộc Brâu và các dân tộc anh em. Nhưng đặc sắc hơn cả là những bộ chiêng đồng nổi tiếng với 3 loại có thang âm khác nhau là Coong, Mam và Tha. Ngoài ra, Brâu là dân tộc có sở thích, năng khiếu đặc biệt về chế tác, trình diễn nghệ thuật dân gian. Trước năm 1997, chỉ tính nghệ nhân biết diễn tấu, chế tác nhạc cụ cũng có hơn 130 người; cả làng có 17 bộ chiêng.
Tương tự, dân tộc Rơ-măm cũng đã lưu giữ nhiều giá trị cổ truyền đặc sắc, đặc biệt là lễ hội. Theo từng thời điểm lễ hội được tổ chức quanh năm, như: lễ mở cửa kho lúa, lễ cúng giọt nước, lễ ăn lúa mới được tổ chức với quy mô cả cộng đồng làng. Trong đó nổi bật là lễ bỏ mả. Về âm nhạc dân gian đáng chú ý là hình thức diễn tấu đàn T’rưng 3 dùi khá độc đáo chỉ có ở người Rơ-măm.
Cần khôi phục, kế thừa và phát huy
Với nguồn văn hóa di sản đặc sắc đó, nhưng theo Sở VHTT&DL Kon Tum, hai dân tộc này đang phải đối diện nguy cơ xuống cấp, mất dần các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong quá trình tương tác, hội nhập kinh tế, xã hội. Đặc biệt, báo cáo từ Sở VHTT&DL Kon Tum cho thấy, trong các hạng mục dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội cho hai dân tộc này thì mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hầu như rất mờ nhạt, không cụ thể. Nguồn vốn đầu tư văn hóa vật chất chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong ngân sách của địa phương. Đây được cho là vấn đề đáng lo ngại và các yếu tố di sản văn hóa của hai dân tộc đang bị bỏ quên.
Vì thế, dù đã xây dựng nếp sống mới lành mạnh, ở chừng mực nào đó đã khôi phục, phát huy được bản sắc văn hóa cổ truyền của hai dân tộc từ sau khi tái thành lập tỉnh. Tuy nhiên những dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội trong đó có sự hỗ trợ về vật chất văn hóa hiệu quả không cao về mặt bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng. Thậm chí, theo ngành văn hóa những nỗ lực thực hiện các dự án xây dựng đã phá vỡ cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ ý thức văn hóa của đồng bào. Các dự án nặng về đầu tư, chưa chú trọng đến khía cạnh lợi ích về tinh thần, phục vụ đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào. Bản năng, phong tục tập quán, nhận thức thế giới của hai dân tộc còn nhiều bảo thủ nặng nề.
Để “cứu” nguồn di sản văn hóa hai dân tộc này, ngành văn hóa tỉnh Kon Tum đề xuất phải đẩy mạnh khảo sát, sưu tầm, kiểm kê, phân loại và lập hồ sơ khoa học toàn bộ hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể làm căn cứ bảo tồn và phát huy một cách trung thành với bản sắc của mỗi dân tộc, được đồng bào chấp nhận. Mặt khác, cần khôi phục môi trường hoạt động và điều kiện thể hiện giá trị các di sản văn hóa và hoạt động văn hóa trong đời sống cộng đồng để kế thừa và phát huy. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa và các loại hình hoạt động văn hóa. Tổ chức truyền dạy từ nghệ nhân cho lớp kế thừa những kiến thức về văn hóa cổ truyền, tiếp cận làm chủ các giá trị văn hóa có tính đặc thù dân tộc, biết chế tác, sử dụng, hệ thống hóa và biết vận hành hệ thống ấy.
Kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Brâu và Rơ-măm đó là, không nên mua, xây rồi cấp, dí vào tay đồng bào bảo họ phải sử dụng như cồng chiêng, nhạc cụ, nhà rông sẽ không bao giờ thu được hiệu quả. Đơn giản là những vật dụng ấy thiếu bản sắc, thiếu cái hồn của dân tộc họ. |