Bốn nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ
Chia sẻ với phóng viên báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, một số nội dung công việc trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt |
Một là, về việc hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Có thể nói, chủ trương, đường lối của Đảng về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được bổ sung, làm rõ trong các văn kiện của Đại hội XIII; Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; 6 Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế của đất nước;…
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển công nghệ sinh học; Tổng kết Nghị quyết 20 về khoa học và công nghệ; Tổng kết Nghị quyết 27 về phát triển đội ngũ trí thức…
Hai là, về hoàn thiện pháp luật, theo kế hoạch đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì xây dựng 5 luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua, với nhiều chính sách mới về bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ, trong đó tiêu biểu là chính sách về tạo điều kiện để các nhà khoa học và tổ chức khoa học và công nghệ có thể đăng ký quyền sở hữu tài sản trí tuệ từ các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.
Đối với 4 luật còn lại (Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử), Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và trình Chính phủ trong thời gian tới.
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung sửa đổi, bổ sung các thông tư để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho giai đoạn tới (như cắt giảm thủ tục; điện tử hóa các quy trình…).
Các quy định về việc sử dụng quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cũng mới được sửa đổi, ban hành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi trích lập và sử dụng (Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 05; Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67…). Ngoài ra, các chính sách về thị trường khoa học và công nghệ; thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nhập khẩu công nghệ;… cũng đang được Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện và đưa vào triển khai.
Khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp |
Ba là, triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/5/2022. Chiến lược này có một số tiêu chí chính: Đến năm 2025, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,2% - 1,5% GDP, trong đó, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8% - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%.
Đến năm 2030, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1% - 1,2% và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65% - 70%.
Bên cạnh đó, đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 10 người trên một vạn dân, đến năm 2030 đạt 12 người trên một vạn dân; trong đó, chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2025, có 25 - 30 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, đến năm 2030 có 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới.
Bốn là, Bộ đang triển khai đánh giá thử nghiệm Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. Đây là nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ phân công. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cũng đã cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện đánh giá chỉ số này. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ sắp hoàn thành việc đánh giá thử nghiệm, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Ngoài các nội dung trên, Bộ Khoa học và Công nghệ còn triển khai nhiều hoạt động khác, với mong muốn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có các đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.