Giảm thiểu xói mòn đất bằng kỹ thuật hạt nhân Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân: Tạo đột phá về giống cây trồng Kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp: Ứng dụng đa dạng, hiệu quả |
Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Viện Nghiên cứu hạt nhân vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu |
Báo cáo tóm tắt những kết quả chính trong công tác quản lý, vận hành và sử dụng lò phản ứng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Cao Đông Vũ cho biết, Lò phản ứng hạt nhân TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt được Hoa Kỳ xây dựng tại Đà Lạt từ năm 1963. Trước ngày giải phóng miền Nam, toàn bộ các thanh nhiên liệu của lò đã được tháo dỡ để chuyển về Hoa Kỳ, nên lò không còn khả năng hoạt động.
Được sự giúp đỡ của Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết trước đây, ngày 15/3/1982, công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng được chính thức khởi công và 2 năm sau, vào ngày 20/3/1984, lò phản ứng với tên mới là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được chính thức đưa vào vận hành với công suất danh định là 500 kWt, gấp 2 lần so với công suất của lò TRIGA trước đây.
Nhờ có Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và nhiều thiết bị khoa học khác, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã thu được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như trong xây dựng tiềm lực về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ được giao.
Những kết quả này được các cơ quan nghiên cứu, đơn vị sản xuất trong và ngoài nước ghi nhận như: Điều chế các chất đồng vị phóng xạ, chế tạo thiết bị hạt nhân, phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị, công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học, an toàn bức xạ, xử lý, quản lý chất thải phóng xạ...
Bên cạnh các thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân cũng chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực tham gia các hợp tác đa phương, điển hình là với IAEA và hợp tác vùng Châu Á - Thái Bình Dương (RCA), tham gia hợp tác song phương với Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong thời gian tới, Lò phản ứng hạt nhân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng: Tích cực tham gia Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân với Lò phản ứng nghiên cứu mới; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận, vận hành an toàn, khai thác hiệu quả Lò phản ứng mới đa mục tiêu công suất 10 MWt.
Khẩn trương sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong 40 năm qua, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động an toàn, đúng kế hoạch gần 70.000 giờ. Lò đã được khai thác và sử dụng có hiệu quả để sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt, nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành và đất nước.
Cùng với thiết bị chính là Lò phản ứng hạt nhân, một hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên ngành hiện đại từng bước được hình thành và đưa vào hoạt động, phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đưa kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng khẳng định, ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam tự hào vì tập hợp được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đa ngành, được rèn luyện theo tác phong công nghiệp, từng bước làm chủ được một lĩnh vực khoa học tiên tiến, hiện đại, góp phần thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình giai đoạn đến năm 2020 và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tiếp tục giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ đang được giao nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân với lò nghiên cứu công suất cao, quy mô lớn hơn nhiều lần so với Lò Đà Lạt hiện nay, nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng hạt nhân cho quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ phục vụ cho việc tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân để có thể nội địa hóa từng phần lò hạt nhân nghiên cứu.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm và dịch vụ để khai thác hiệu quả Lò phản ứng nghiên cứu mới, song song với việc tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn và sử dụng hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đến năm 2033 theo Giấy phép đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
"Một nhiệm vụ khác liên quan đến năng lượng nguyên tử mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương thực hiện đó là sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với vai trò là một cơ sở bức xạ đặc thù, đang quản lý và vận hành thiết bị hạt nhân duy nhất của cả nước, Bộ trưởng đề nghị Viện Nghiên cứu hạt nhân quan tâm, đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu để có những góp ý xác đáng vào Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, thúc đẩy ngành năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình tiếp tục phát triển.
Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng, trên cơ sở các kết quả, thành tựu đã đạt được trong 40 năm qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân nói riêng và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nói chung, sẽ tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả hơn nữa Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, cũng như xúc tiến Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân với Lò phản ứng nghiên cứu công suất cao, đa mục tiêu.
Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn khẳng định, tỉnh Lâm Đồng tự hào có Viện Nghiên cứu hạt nhân đóng tại Đà Lạt. Qua 40 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đạt được những thành tích quan trọng trong làm chủ kỹ thuật và công nghệ, bảo đảm vận hành an toàn, sử dụng hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân duy nhất cả nước; không để xảy ra sự cố nào ảnh hưởng đến con người và môi trường; luôn chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và ứng dụng vào phát triển sản xuất.
Viện đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, kết quả của các đề tài nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và phục vụ đời sống; các hoạt động triển khai và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ của Viện đã góp phần tích cực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Với vai trò, trách nhiệm là một cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy đề nghị Viện Nghiên cứu hạt nhân tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho địa phương để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và trong lĩnh vực y tế, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ; phổ biến, ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học và công nghệ; củng cố và mở rộng hợp tác quốc tế thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.