Bộ Y tế phát động “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”
Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng, Viện, Bệnh viện thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; các đơn vị liên quan.
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 6 ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã yêu cầu: Phát huy thành tựu y tế trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong đó có phòng chống dịch, bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết thêm, thừa choleterol gây ra các bệnh lý về tim mạch, là 1 trong các nhóm bệnh không lây nhiễm. Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, là một trong những thách thức chủ yếu trong thế kỷ 21. Trong năm 2016, BKLN gây ra 71% (41 triệu) trong tổng số 57 triệu tử vong trên toàn cầu. Các BKLN chính gây ra các tử vong này là bệnh tim mạch (chiếm 44% trong tổng số tử vong do BKLN và 31% tử vong toàn cầu); ung thư: chiếm 22% tổng số tử vong do BKLN, 16% tử vong toàn cầu; bệnh phổi mạn tính: chiếm 9% tổng số tử vong do BKLN, 7% tử vong toàn cầu và đái tháo đường: chiếm 4% tử vong do BKLN và 3% tử vong toàn cầu.
Tại Việt Nam, BKLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Trong năm 2016, có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do BKLN chiếm 77%. Cứ 10 người chết có 7 người chết do BKLN tập trung ở các bệnh như: tim mạch đa phần do lượng người mắc cholesterol cao, 10 người có 3 người chỉ số cholesterol cao vượt ngưỡng, hơn ½ phụ nữ trong độ tuổi 50-69 có cholesterol cao, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.
Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần.
Để khống chế và đẩy lùi các BKLN, ngày 20/3/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 376/QĐ-TTg “Phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2020".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định, với chỉ đạo mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nước ta đang trong tiến trình thực hiện tốt kế hoạch hành động toàn cầu về BKLN, đạt được 9 trong 19 chỉ số đánh giá tiến độ và năng lực đáp ứng quốc gia về phòng chống BKLN, Chương trình Sức khỏe Việt Nam đã được công bố vào tháng 9/2019, trong đó BKLN là một ưu tiên chính.
Theo mục tiêu của chiến lược là khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các đại biểu tham dự tọa đàm chia sẻ về thực trạng, tác hại và giải pháp cải thiện tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể tại buổi lễ |
Lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể” là hoạt động quan trọng, thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam. Tỷ lệ thừa cholesterol ở Việt Nam cao, chủ yếu xuất phát từ lối sống ít vận động, đặc biệt là thói quen ăn uống và chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và việc nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này còn chưa đúng cách.
Quang cảnh buổi Lễ |
Hoạt động nổi bật trong “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể” bao gồm việc tuyên truyền trên 5.000 banner đường phố về thực trạng và phổ biến giải pháp ngăn ngừa tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể; Tổ chức khám - Tư vấn miễm phí về cholesterol cho hàng ngàn người dân tại các bệnh viện lớn trên cả nước như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ…
Những nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể:
Có 5 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ lối sống và chế độ ăn uống.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol: Thực phẩm chứa nhiều cholesterol được tìm thấy nhiều nhất ở những thức ăn có nguồn gốc từ động vật và mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn, mỡ lợn, thịt cừu, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp) và nội tạng động vật.
- Uống nhiều rượu, bia và các thức uống có gas: Rượu, bia và các loại thức uống có gas nếu sử dụng nhiều sẽ làm tăng cholesterol xấu và triglyceride.
- Lối sống không khoa học, bao gồm:
+ Lười tập thể dục và ít tham gia các hoạt động thể chất,
+ Không kiểm soát cân nặng (béo phì),
+ Hút thuốc: Một số hóa chất có hại trong thuốc lá làm tăng lượng cholesterol xấu gây ra tình trạng xơ vữa động mạch.
- Các bệnh lý nền: Những người bị huyết áp cao (tăng huyết áp) và bệnh tiểu đường thường có mức cholesterol cao hơn bình thường.
- Yếu tố tiền sử gia đình: Có một số các yếu tố cố định gây ra mức cholesterol cao không thể thay đổi được như tiền sử gia đình bị bệnh tim, có tình trạng cholesterol cao.
- Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì khả năng bị hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) càng cao.
Bên cạnh việc chỉ ra nguyên nhân, trong khuôn khổ của “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”, Bộ Y tế sẽ triển khai các chương trình hành động với quyết tâm khống chế tốc độ gia tăng và tiến tới làm giảm tỷ lệ người thừa cholesterol ở Việt Nam. Trong các hoạt động này, Bộ Y tế ưu tiên việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự nhận thức và điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống để kiểm soát tình trạng thừa cholesterol.
Các biện pháp khuyến nghị để hạn chế tình trạng thừa cholesterol:
- Hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
- Bổ sung chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) vào chế độ ăn uống: Nhóm chất béo không bão hòa như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương ... Đặc biệt, dưỡng chất Gamma-Oryzanol & Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt đã được khoa học chứng minh có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol xấu từ thực phẩm.
- Thực hiện lối sống khoa học
+ Khuyến nghị thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể chất: hạn chế ăn, uống các thực phẩm chưa nhiều cholesterol, cần tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên (đi bộ, đạp xe, bơi lội…).
+ Không hút thuốc, hạn chế rượu bia.