Thứ tư 18/12/2024 22:26

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu giải pháp giúp Quảng Ninh khắc phục sớm hậu quả bão số 3

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để Quảng Ninh sớm khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra cần sự vào cuộc của cả bộ máy và cần cơ chế hỗ trợ đặc thù cho tỉnh.

160 người thương vong, 19.582 nhà bị tốc mái do cơn bão số 3 gây ra

Theo báo cáo nhanh của Quảng Ninh, để phòng, chống và ứng phó với cơn bão số 3 Yagi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 14 đoàn công tác, UBND tỉnh thành lập 4 đoàn công tác ứng phó bão.

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra về công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên. Các địa phương đã phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại địa phương.

Quảng Ninh đã tiến hành cấm biển từ 11h ngày 6/9; hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung phòng, chống, ứng phó với bão số 3; thực hiện cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày ngày 7/9. Các địa phương và lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn tỉnh đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh hoang tàn sau cơn “cuồng nộ” của bão số 3 Yagi

Thiệt hại về người, tính đến 12h ngày 8/9, tỉnh có 4 người chết và có 157 người bị thương hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Đến trưa ngày 8/9, đã tìm kiếm và cứu hộ thành công 27 người bị trôi dạt trên biển.

Thiệt hại về tài sản, theo thống kê bước đầu từ các địa phương có 19.582 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 1.297 cột điện bị gẫy đổ; 70% cây xanh bị gẫy đổ, 2 trạm điện, 3 trạm viễn thông bị hư hỏng; có trên 1.000 ô lồng, lồng, bè nuôi hầu bị mất, cuốn trôi; 17.000 m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 912 ha lúa bị đổ, ngập úng; 8.503 ha rừng trồng bị ảnh hưởng.

Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; hầu như toàn bộ pano, biển quảng cáo bị gãy đổ; hệ thống thông tin, liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được; mất điện trên diện rộng...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng khảo sát tình hình thiệt hại sau bão số 3 tại Quảng Ninh

Kiến nghị giải pháp để khắc phục thiên tai, sự cố do cơn bão số 3 gây ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề xuất:

Đối với việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, đề nghị Trung ương (Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Cục hộ cứu nạn của Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Trung tâm cứu hộ cứu nạn miền Bắc, Cục Kiểm ngư) hỗ trợ lực lượng và phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh, nhất là cứu nạn trên biển.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Công ty Viễn Thông (VNPT, Viettet, Mobiphone) hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh khắc phục ngay tình trạng mất điện, khắc phục việc tê liệt thông tin phục vụ nhân dân; đặc biệt là việc cấp điện, thông suốt thông tin.

Khẩn trương đảm bảo thông suốt nguồn điện, thông tin liên lạc

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chiều ngày 8/9 về công tác khắc phục sự cố thiên tai do bão số 3 gây ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3; biểu dương tỉnh chấp hành chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống bão; cho biết, cường độ cơn bão này rất mạnh, do đó tỉnh cần rà soát lại tình hình thiệt hại về người và tài sản; hoan nghênh tỉnh vừa phòng, vừa chống và vừa khắc phục bão lũ. Thủ tướng cho rằng, hậu quả của bão còn kéo dài, cho nên cần vừa làm các công việc trước mắt và lâu dài

Thủ tướng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong phòng, chống thiên tai; cảm ơn người dân, doanh nghiệp đồng hành cấp uỷ, chính quyền, lực lượng chức năng trongkhắc phục hậu quảbão số 3.

Chiều 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Chính phủ thị sát tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng - hai trong số những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 3 gây ra để tìm hiểu tình hình thực tế thiệt hại và chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

Về công việc sắp tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh sớm ổn định tình hình, mọi hoạt động phải đi vào bình thường; cứu chữa những người bị thương, bị nạn, tiếp tục tìm kiếm người vẫn còn mất tích; lo hậu sự người đã mất; chuẩn bị ứng phó hoàn lưu sau bão, do đó cần chuẩn bị phương tiện, vật tư; khuyến cáo người dân tránh xa chỗ nguy hiểm; bảo đảm các cháu học sinh phải được trở lại trường, bảo đảm an toàn; những người bệnh phải được cứu chữa.

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả gồm lực lượng vũ trang như quân đội, công an, thanh niên, phụ nữ, các đoàn thể chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc để làm các công việc như vệ sinh môi trường, dọn dẹp.

Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng huy động lực lượng quân đội ở tất cả các tỉnh, thành, địa phương gần nhất tham gia hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm các công việc có thể làm được.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhanh chóng khôi phục lưới điện; các tập đoàn viễn thông phải khôi phục ngay hệ thống thông tin liên lạc; các ngân hàng có kế hoạch, nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay vốn, cơ cấu khoản vay cho người dân; các cơ quan thuế nghiên cứu chính sách miễn, giãn, hoãn thuế cho người dân; kiểm tra, rà soát đánh giá lại thiệt hại để đề xuất các chính sách hỗ trợ như cho vay ưu đãi. Bảo đảm giao thông thông suốt, khắc phục những đường giao thông ở vùng núi bị sạt lở, bảo đảm người dân được đi lại bình thường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đi thị sát các tuyến phố chính của thành phố Hạ Long bị thiệt hại nặng nề bởi bão số 3

Lãnh đạo các bộ, ngành hướng dẫn các ngành, địa phương, trong đó có Quảng Ninh, thí dụ giao địa phương chịu trách nhiệm đấu thầu, mua sắm trong điều kiện cấp bách, bảo đảm tuân thủ các quy định, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhân đây cần sửa một số quy định của pháp luật liên quan vấn đề này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số chính sách cho bà con nông dân nuôi trồng thủy sản. Bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, an ninh, an toàn và an dân.

Liên quan việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, địa phương phải chủ động để người dân ổn định ngay để bảo đảm sinh kế. Các cơ quan chức năng, tỉnh Quảng Ninh cần phân công công việc, triển khai ngay sau cuộc họp này.

Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có vấn đề nâng cấp đê Hà Nam ở huyện Yên Hưng. Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần tương thân tương ái, phát động phong trào nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn vì thiệt hại do bão số 3.

Cần cơ chế hỗ trợ đặc thù riêng cho tỉnh Quảng Ninh

Cùng phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quảng Ninh là đất du lịch, để khắc phục được những hậu quả do cơn bão số 3 đi qua phải mất khoảng 5-6 tháng để ngành du lịch Quảng Ninh phục hồi. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, nhiều người lao động, người dân sẽ không có việc làm, không có thu nhập. Như vậy, sau bão số 3 có thể thấy tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại rất nặng nề cả về tài sản và con người. Sự thiệt hại không thể đo đếm được và cần sự nỗ lực, đồng lòng rất cao của chính quyền và người dân.

Để khắc phục được thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách cho cả nước, nhưng với Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, cần có một số cơ chế đặc thù:

Thứ nhất, đối với người dân nói chung và nhất là những người kinh doanh trong vùng du lịch cần phải khẩn trương có cơ chế chính sách để khoan, giãn, hoãn các khoản nợ và xem xét để giảm thuế, thậm chí là miễn thuế cho các hộ kinh doanh bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.

Thứ hai là khẩn cấp nghiên cứu các cơ chế cho vay ưu đãi. Có thể ưu đãi cả về thời hạn ưu đãi, cả về mức lãi suất để người dân nói chung có điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu, đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho tỉnh Quảng Ninh trong công tác khắc phục sự cố do bão số 3 gây ra

Thứ ba, khẩn trương hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trước mắt là thông qua các cấp Công đoàn, qua Bộ Lao động thương binh và Xã hội… những cơ quan này có thể hỗ trợ người lao động, nhất là người lao động trong ngành du lịch trong vòng 5-6 tháng tới, bởi đây là giai đoạn khắc phục hậu quả sau mưa bão của người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trong giai đoạn này, nếu người dân không có nguồn thu, họ sẽ sẵn sàng “chia tay” với Quảng Ninh để đi nơi khác. “Vậy thì đến khi khắc phục được hậu quả, Quảng Ninh lấy đâu ra người lao động, người kiến tạo sản xuất kinh doanh?” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt câu hỏi và nhắc lại bài học từ giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

“Dứt khoát phải có một chính sách đặc thù nào đó đối với người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch để họ ở lại với Quảng Ninh” - Bộ trưởng đề xuất và cho rằng, trước mắt cần huy động các lực lượng, chức năng vào cuộc để dọn dẹp, xử lý những cái sự cố do cơn bão số 3 gây ra.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát một số nơi tại Quảng Ninh

Vấn đề môi trường là rất quan trọng, do đó Bộ trưởng cho rằng, các lực lượng công an, quân đội… cần vào cuộc, chung tay dọn dẹp giải quyết.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, những kết quả, số liệu thiệt hại do tỉnh Quảng Ninh báo cáo hôm nay chỉ là bước đầu. Cả hạ tầng về giao thông, hạ tầng về nhà cửa, các công trình văn hóa hay là các công trình hạ tầng của hệ thống chính trị bị hỏng rất nhiều. Cho nên cần cơ chế đặc thù cho tỉnh Quảng Ninh khắc phục sự cố sau mưa bão là rất cần thiết và quan trọng.

Sau buổi thị sát làm việc tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo các Bộ ngành sẽ tiếp tục có buổi thị sát và làm việc tại Hải Phòng...

Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: cơn bão số 3

Tin cùng chuyên mục

Bộ Quốc phòng Italy cam kết sẽ tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam

Thủ tướng: Ngành văn hoá, thể thao và du lịch phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ Đoàn, Hội phải 'gian khổ thì đi trước, hưởng thụ thì đi sau'

Thanh niên Việt Nam yêu nước, đoàn kết, tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước Lương Cường: Quân đoàn 12 cần nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ

Đảng bộ Bộ Công Thương tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào: Điểm sáng trong quan hệ song phương

Ngành công nghiệp văn hóa: Chuyển biến mạnh từ chính sách đến thực tiễn

Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX

Sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

Nhân sự 17/12: Ban Bí thư chỉ định nhân sự tỉnh Ninh Bình; tỉnh Quảng Bình có tân Chủ tịch UBND

Chính phủ cho ý kiến về 06 đề nghị xây dựng luật, 01 dự án pháp lệnh

Thủ tướng: Sắp xếp tổ chức bộ máy cần quan tâm giữ chân cán bộ có năng lực

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Hợp tác song phương Việt Nam - Lào phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Belarus ngày càng củng cố và phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bảo đảm an ninh phải góp phần mở rộng không gian phát triển

Đổi mới xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm'

Thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Belarus