Bố trí nguồn vốn hỗ trợ dân tộc ít người
Tại phiên họp, Thủ tướng đã giao các bộ bố trí nguồn vốn để thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người ở 12 tỉnh…
Đề án hỗ trợ hướng đến nâng cao đời sống dân tộc ít người vùng khó khăn |
Sau phiên họp trực tuyến với các địa phương, tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Văn phòng Chính phủ kịp thời tổng hợp những kiến nghị của lãnh đạo các địa phương, những kiến nghị này đều về cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư các dự án đường bộ, đường thủy, cảng và sân bay… Thủ tướng yêu cầu, những vấn đề nào Thủ tướng hay Phó Thủ tướng quyết định được thì quyết ngay để trả lời cho các địa phương. Vấn đề nào giao các bộ nghiên cứu phải có thời hạn trả lời cụ thể. Thủ tướng nhấn mạnh, phản hồi của Chính phủ đối với kiến nghị của các địa phương phải bằng những hành động cụ thể nhằm tạo thành một sự kết hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với: dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng giao các bộ bố trí nguồn vốn để thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc thiểu số rất ít người ở 12 tỉnh và Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt cách đây 2 năm.
Tại Quyết định số 2086/QĐ- TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025. Đề án được thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh: Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. Các dân tộc thiểu số ít người gồm: dân tộc Lô Lô tỉnh Cao Bằng; dân tộc Lự, Shi La tỉnh Lai Châu; dân tộc Shi La tỉnh Điện Biên; dân tộc La Ha tỉnh Sơn La; dân tộc Phù Lá, Bố Y, Pà Thẻn, Lô Lô, Pu Péo tỉnh Hà Giang; dân tộc Bố Y, Phù Lá tỉnh Lào Cai; dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang; dân tộc Phù Lá tỉnh Yên Bái; dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An; dân tộc Chứt tỉnh Hà Tĩnh; dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình; dân tộc Brâu, Rơ Măm tỉnh Kon Tum. Thời gian thực hiện Đề án là 10 năm (2016 - 2025), chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I: 2016 - 2020; giai đoạn II: 2021 - 2025.
Mục tiêu của Đề án nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc rất ít người; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chỉ tiêu cơ bản Đề án đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo 7% - 8%/năm. Đến năm 2025 mức sống bình quân của các dân tộc rất ít người tương đương với các dân tộc khác trong vùng, dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến năm 2025, 100% thôn, bản có hệ thống cầu, đường giao thông đi được 4 mùa trong năm tới trung tâm xã; có lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng; có điện, công trình nước tập trung, thủy lợi tưới tiêu để phục vụ sản xuất theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; 100% số hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm.