Bộ Công Thương quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII)
Dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng bộ Bộ Công Thươngcó đồng chí Đặng Hoàng An - Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng, Bí thư Đảng uỷ Bộ Công Thương cùng các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ, bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương.
Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương và kết nối với 11.661 điểm cầu cấp huyện và cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết.
Toàn cảnh Hội nghi tại điểm cầu Trung ương tại Nhà Quốc hội, Hà Nội |
Hội nghị nhằm nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tới cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, định hướng cấp ủy các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, quyết định của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Điểm cầu hội nghị tại Đảng bộ Bộ Công Thương, Hà Nội |
Điểm cầu hội nghị tại TP. Hồ Chí Minh |
Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, 130 đảng viên là lãnh đạo của 58 tổ chức đảng trực thuộc Đảng uỷ Khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP Hồ Chí Minh đã tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
Nội dung của Hội nghị gồm 4 chuyên đề: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Theo chương trình Hội nghị, sáng 21/7/2022, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp quán triệt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Tiếp đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hai chuyên đề còn lại sẽ được Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai quán triệt chiều ngày 21/7 và sáng 22/7/2022.
Dự kiến, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII diễn ra từ ngày 4/5 đến ngày 10/5/2022, tại Thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị lần này, Trung ương đưa ra bàn luận, lấy ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng như: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021.
Hội nghị đã thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.