Bộ Công Thương: Kiểm soát chặt chẽ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh
Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được Quốc hội ban hành ngày 3/12/2004 (Luật Cạnh tranh 2004) đã đặt nền móng đầu tiên cho pháp luật cạnh tranh của Việt Nam, tạo khung khổ pháp lý cơ bản, đáp ứng các yêu cầu cần thiết để Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo Bộ Công Thương, sau hơn 12 năm thực thi, Luật Cạnh tranh 2004 đã được rà soát, hoàn thiện và được thay thế bởi Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12/6/2018 (Luật Cạnh tranh 2018) trên cơ sở phù hợp với thực tiễn kinh doanh, cạnh tranh của doanh nghiệp và tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Luật Cạnh tranh 2018 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó bao gồm cả các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đó, khái niệm “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” được quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018. Cụ thể, “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”.
Như vậy, “cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là việc doanh nghiệp không tuân thủ nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác” - Bộ Công Thương cho hay.
Luật Cạnh tranh 2018 phù hợp với thực tiễn kinh doanh, cạnh tranh của doanh nghiệp và tiệm cận với thông lệ quốc tế |
Bộ Công Thương khẳng định, việc thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh nói chung và kiểm soát chặt chẽ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo lập, duy trì, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Từ đó, giúp hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phân bổ có hiệu quả các nguồn lực; tháo gỡ, loại bỏ các rào cản, chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Chính vì vậy, công tác điều tra tiền tố tụng, phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thời gian qua đã được Bộ Công Thương chú trọng.
Giai đoạn từ năm 2019 - 2023 Bộ Công Thương (đầu mối là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) đã tiếp nhận hồ sơ khiếu nại và chủ động phát hiện đối với hàng trăm trường hợp có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chủ yếu trong các lĩnh vực như: sữa công thức, sữa non, hàng không, dịch vụ giáo dục, mỹ thuật, vật liệu xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm nhân thọ...
Ưu tiên kiểm soát 3 lĩnh vực “nóng”
Nỗ lực đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Bộ Công Thương cho biết, năm 2024, tập trung vào 3 lĩnh vực “nóng” của tình hình kinh tế thời gian qua như: Lĩnh vực kinh doanh sữa non và sữa dành cho trẻ em; lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện máy, điện lạnh; và lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Cụ thể, theo kết quả rà soát, giám sát cạnh tranh trên thị trường cho thấy, trong lĩnh vực kinh doanh sữa non, sữa dành cho trẻ em, có một số doanh nghiệp đã đăng tải thông điệp, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, về sản phẩm có sử dụng các từ ngữ như “số 1 Việt Nam”; “sữa trẻ em số 1 Việt Nam”; “sữa ngủ ngon số 1 Việt Nam”; “giúp bổ sung dinh dưỡng gấp 10 lần”… mà không kèm theo các thông tin về tiêu chí so sánh, tiêu chuẩn xếp hạng, không có chú thích rõ ràng, chưa nêu rõ tài liệu hợp pháp chứng minh, có thể dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp, về sản phẩm, và có dấu hiệu của hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính”, vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 của Luật Cạnh tranh 2018.
Doanh nghiệp quảng cáo, cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm cũng vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương khẳng định, đây là sản phẩm thực phẩm quan trọng, liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ em, người già, người ốm yếu, bệnh nhân. Thực tế, trong lĩnh vực này Bộ đã phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, điển hình cho hoạt động kinh doanh, cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện máy, điện lạnh, Bộ Công Thương cũng đã phát hiện một số doanh nghiệp thông qua trang tin điện tử của doanh nghiệp mình đã cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm, hàng hóa do mình cung cấp, khi giới thiệu tủ lạnh “khử mùi, diệt khuẩn 99,9%”; “nhân đôi hương vị thơm ngon, thời gian lưu trữ”, máy điều hòa “tiết kiệm 60% năng lượng so với chế độ thường”; máy lọc khí “tốp 1” về độ ồn thấp, hiệu suất lọc, tiết kiệm điện năng, “hiệu suất khử formaldehyde > 99,9%”, “hiệu suất diệt vi khuẩn > 99,9%”, có “công nghệ Streamer phân hủy đến 99,9% vi khuẩn, vi rút, nấm mốc và các chất gây hại”… mà không kèm chú thích hoặc thông tin về tài liệu hợp pháp chứng minh, có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh.
“Các hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp xảy ra tương đối phổ biến trong hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm điện máy, điện lạnh. Do vậy, trong năm 2024 Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực này” - Bộ Công Thương khẳng định.
Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, cơ quan rà soát, giám sát cạnh tranh của Bộ Công Thương phát hiện các hiện tượng đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng khi giới thiệu về doanh nghiệp, như “thương hiệu số 1 về trải nghiệm khách hàng”, “công ty bảo hiểm với danh mục loại trừ ít nhất thị trường”, “mạng lưới phân phối đa dạng và rộng nhất Việt Nam”, “tập đoàn bảo hiểm số 1 tại Ý”… mà không có chú thích về tiêu chuẩn xếp hạng, nguồn tài liệu hợp pháp chứng minh, có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh.
Được biết, bảo hiểm nhân thọ có đối tượng bảo vệ cơ bản nhất là tuổi thọ, tính mạng con người, ngoài ra khách hàng có thể lựa chọn thêm các gói bổ trợ về bảo hiểm sức khỏe. Với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đây là dòng sản phẩm rất phổ biến hiện nay trên các thị trường bảo hiểm nhân thọ toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam, cung cấp cho khách hàng thêm lựa chọn ngoài quyền lợi bảo vệ, còn quyền lợi đầu tư là một nghiệp vụ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có kinh nghiệm và thế mạnh. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mở ra những kênh đầu tư mới cho người dân ngoài các kênh như chứng khoán, gửi tiết kiệm…
Tuy nhiên, thời gian qua thị trường bảo hiểm, nhất là bảo hiểm liên kết đầu tư rơi vào khủng hoảng niềm tin. Bộ Công Thương phân tích, khủng hoảng không phải ở sản phẩm mà lỗi chính là do công tác tư vấn, giới thiệu sản phẩm. “Không chỉ tư vấn trực tiếp sai, ngay kể cả các thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, về sản phẩm bảo hiểm được các doanh nghiệp đăng tải công khai trên các trang tin điện tử chính thức của mình cũng có những thông tin mang tính chất so sánh, chứa các từ ngữ như “số 1”, “nhất” mà không có tiêu chí so sánh cụ thể, tài liệu chứng minh, chú thích rõ ràng sẽ dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng” - Bộ Công Thương chỉ rõ.