Bộ Công Thương giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Yên Bái và Đồng Tháp
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ Công Thương giao Cục XTTM làm đầu mối phối hợp với các địa phương tổ chức, nhằm hỗ trợ, kết nối các địa phương có tiềm năng xuất khẩu và có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại...với các Cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
Kể từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trên toàn thế, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn thương mại quốc tế, phần lớn các hoạt động XTTM quốc tế đều bị huỷ bỏ hoặc hoãn triển khai. Trong bối cảnh đó, Cục XTTM Việt Nam đã linh hoạt, chủ động đổi mới mạnh mẽ công tác XTTM, chuyển sang hình thức XTTM mới, kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp, nhờ vậy đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận từ xa đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch mà vẫn đạt hiệu quả.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị |
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) nhận xét, Yên Bái và Đồng Tháp là hai tỉnh có nhiều mặt hàng thế mạnh có thể khai thác xuất khẩu. Hội nghị lần này là cơ hội để hai tỉnh Yên Bái và tỉnh Đồng Tháp giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư – kinh doanh của với các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại, tổ chức XTTM nước ngoài.
Chia sẻ về những tiềm năng và thế mạnh của địa phương, ông Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp với nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú phục vụ cho công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng, các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chè, quế, sắn,…
Đáng chú ý, năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 7,3%, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 45 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản (công nghiệp - xây dựng 29%; dịch vụ 44,5%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 22%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm 4,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9%, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 220 triệu USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 21.500 tỷ đồng.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 4 đầu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái và tỉnh Đồng Tháp |
Với những kết quả đạt được, ông Ngô Hạnh Phúc thông tin, trong thời gian tới, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, gắn với nâng cao chất lượng thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc; tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế với những dự án hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường sinh thái; các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh nhất là đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, chế biến gỗ rừng trồng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;...
Thêm vào đó, “những năm gần đây, tỉnh Yên Bái cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nói.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp có vị trí địa lý nằm tại đồng bằng sông Cửu Long với tiềm năng phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên nền tảng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến từ tài nguyên bản địa, các nông - thuỷ sản địa phương. Đồng Tháp có thế mạnh với các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu như: gạo, thuỷ sản chế biến, trái cây, …
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện, tỉnh Đồng Tháp đang có định hướng chung tay cùng nhà nông, doanh nghiệp tìm hướng đi mới cho nông sản quê nhà, không còn bó hẹp giao thương nội địa, sản phẩm – nguyên liệu thô, mà phát triển đổi mới sáng tạo, hướng đến liên kết sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chuỗi giá trị, phục vụ xuất khẩu đi các thị trường uy tín.
“Chúng tôi rất cần các kênh uy tín để giúp doanh nghiệp kết nối, tư vấn các tiêu chuẩn, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và đặc biệt giúp chúng tôi bắt mạch xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, từ đó giúp chúng tôi định hướng được sản phẩm xuất khẩu đạt yêu cầu và bền vững theo hướng phát triển tài nguyên bản địa” – ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể hợp tác ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững; trong sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm hướng tới xuất khẩu sang các thị trường quốc tế tiềm năng.
Hội nghị "Giới thiệu tiềm năng cơ hội đầu tư, kinh doanh của Tỉnh Yên Bái và Tỉnh Đồng Tháp với các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại và tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam" tại đầu cầu Hà Nội |
Tại hội nghị, đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh Yên Bái và tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu về môi trường đầu tư, cơ hội phát triển kinh doanh, chính sách ưu đãi và lợi thế thu hút đầu tư của hai tỉnh Yên Bái và Đồng Tháp. Đồng thời, các tỉnh cũng quảng bá về các sản phẩm có thế mạnh của địa phương và cơ hội hợp tác thương mại với doanh nghiệp của hai tỉnh này.
Cục trưởng Cục XTTM mại khẳng định, luôn sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại, tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng, thông tin thị trường và kết nối với các cơ quan chức năng của hai tỉnh Yên Bái, Đồng Tháp cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó thúc đẩy hoạt động XTTM và xúc tiến đầu tư giữa các bên, góp phần đưa kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ lên một tầm cao mới và hướng tới một môi trường kinh doanh ổn định, lâu dài và bền vững.