Bộ Công Thương chủ động kết nối cung - cầu để hàng Việt cùng “tần số”
Thiếu đơn hàng là vấn đề “nóng” từ quý cuối của năm 2022 đến nay vẫn chưa hạ nhiệt, đây cũng là nguyên nhân khiến kim ngạch của các ngành hàng xuất khẩuchục tỷ, đến vài chục tỷ USD lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành đã nhanh chóng vào cuộc triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho các ngành hàng.
Riêng với Bộ Công Thương, đã chủ động, ưu tiên dành nhiều nguồn lực và nhân lực cho công tác mở thị trường, bao gồm cả hoạt động trực tuyến như các Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức định kỳ hàng tháng, đến tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế chuyên ngành lớn như Hội chợ Magic Show lần thứ 16 tại Las Vegas, Hoa kỳ. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel được ký kết gần đây cũng được ghi nhận đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm “kênh” tiêu thụ hàng hoá.
Cung - cầu cùng “tần số” là yếu tố cần giúp hàng Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu |
Đặc biệt, chiều ngày 11/8 vừa qua, sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công Thương tổ chức thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo doanh nghiệp trong vào ngoài nước.
Là doanh nghiệp hiếm hoi đã có đơn hàng đến hết năm 2023, đại diện Tổng Công ty Đức Giang cho biết đang tìm kiếm đơn hàng cho năm 2024. Thông qua sự kiện, kỳ vọng sẽ kết nối được Uniqlo, hệ thống Aoen, Walmart.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong nước, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng chia sẻ mong muốn được tham gia vào hệ thống bán lẻ của thị trường EU.
Bản thân các nhà mua hàng cũng đánh giá rất cao năng lực cung ứng của Việt Nam, đại diện Walmart cho biết, Việt Nam là một trong thị trường mua hàng chính của Walmart ở Đông Nam Á, Đông Á. Các sản phẩm thu mua cũng rất đa dạng và Walmart không chỉ tập trung thu mua của doanh nghiệp FDI mà còn cả doanh nghiệp thuần Việt.
Tại Viet Nam International Sourcing 2023, Walmart mong muốn tìm đối tác trong 6 lĩnh vực gồm: Quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Tương tự, đại diện cho Công ty Group Merica Foods- ông Christian Merizalde Aguilar, Phụ trách chiến lược kinh doanh, khẳng định, sản phẩm của Việt Nam trong những năm qua có sự tăng tốt, chất lượng sản phẩm được cải thiện và đáp ứng được thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu. Người tiêu dùng đã bắt đầu làm quen được hương vị, chất lượng của sản phẩm Việt Nam. Điều này là sức hút hấp dẫn các nhà mua hàng tìm đến Việt Nam đã tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, xuất xuất khẩu.
Như vậy có thể thấy, cầu và cung hàng hoá đang không quá thiếu tuy nhiên có cùng “tần số” hay không lại là điều đáng lo. Bởi lẽ, như chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023, doanh nghiệp trong nước vẫn đang chào bán những sản phẩm đang có chứ không phải là sản phẩm thị trường cần.
Đây là vấn đề nan giải đã được các chuyên gia khuyến cáo nhưng chưa cải thiện nhiều và vấn đề mấu chốt là thiếu thông tin thị trường. Tại các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng, đại diện Thương vụ Việt Nam ở các thị trường sở tại luôn khuyến cáo doanh nghiệp cần tìm hiểu xu hướng mới trong sản xuất và tiêu dùng để tiếp cận thị trường hiệu quả.
Bản thân các nhà mua hàng cũng không ít lần “nhắc nhở” doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết người mua hàng của mình là ai để lựa chọn thông tin gửi đi đủ sức gây ấn tượng.
Thực tế, không phải doanh nghiệp không biết thông tin thị trường rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Không ít doanh nghiệp đầu tư vốn khủng cho công tác nghiên cứu, khảo sát và thăm dò thị trường, tuy nhiên đó chỉ là một số ít doanh nghiệp lớn có nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp nhỏ vẫn chỉ có thể sản xuất và bán những gì mình có.
Đó còn chưa kể tới để tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của các nhà phân phối doanh nghiệp còn phải: Xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, có giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistic, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường…
Thị trường luôn “muôn màu muôn vẻ” nhưng cùng “tần số” cung - cầu luôn là yếu tố cần thiết cho sản phẩm có chỗ đứng và đứng vững. Để làm được điều này, nỗ lực tìm tòi, đáp ứng của doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi cùng sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng với vai trò đầu mối thông tin là không thể thiếu.