Bình Phước: Xuất siêu gần 1 tỷ USD, đơn hàng cuối năm gia tăng
Xuất siêu ở mức cao
Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 2,946 tỷ USD, tăng 4,61% so với cùng kỳ. Cũng trong 9 tháng đầu năm nay tỉnh nhập khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng 34,9% so cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 9 tháng năm 2023, tỉnh Bình Phước đã xuất siêu gần 1 tỷ USD.
Doanh nghiệp Bình Phước ghi nhận đơn hàng khả quan |
Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê Bình Phước, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới của các doanh nghiệp trên địa bàn trong quý III/2023 tăng hơn so với quý II. Có đến 41,1% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng tăng hơn so với quý trước; 14,7% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng giảm và 44,1% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng ổn định.
Xu hướng về đơn hàngxuất khẩu trong quý IV/2023 có 37,8% số doanh nghiệp dự báo có số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cao hơn; 8,1% số doanh nghiệp cho biết số đơn đặt hàng giảm và 38,3% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Phước, họ đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay cả trên sân nhà lẫn sân khách, ở phạm vi toàn cầu. Nhiều tác động bên ngoài đã làm giảm sức mua chung của toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy và khó lường trước, khiến việc tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp phải đối diện thách thức.
Chẳng hạn như với xuất khẩu sản phẩm điều, theo dự báo của Hội Điều tỉnh Bình Phước, từ nay đến cuối năm nhu cầu thị trường sẽ tăng, nhất là ở Trung Quốc và Trung Đông song hoạt động xuất khẩu điều cũng sẽ gặp không ít khó khăn vì nguyên liệu tồn kho của các doanh nghiệp chế biến còn khá nhiều và giá thị trường thấp. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2023, nhiều lô hàng hạt điều xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu đã liên tục bị cảnh báo về tình trạng nhiễm côn trùng sống.
Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cuối năm
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu năm 2023, UBND Bình Phước đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, tỉnh cũng xác định thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ đó đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp là khâu then chốt trong thời gian tới.
Về phía ngành Công Thương, ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cho biết, Sở Công Thương Bình Phước đã có những hoạt động thúc đẩy sự cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa địa phương, đảm bảo môi trường phát triển cạnh tranh - bền vững. Từ đó tạo sự lan tỏa kinh nghiệm, kỹ năng và năng lực bán hàng hóa, sản phẩm của tỉnh từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI sang khu vực kinh tế tư nhân địa phương và ngược lại.
Theo đó, với cách tiếp cận nhân rộng những mô hình, hoạt động thành công dù là nhỏ nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà xuất khẩu của Bình Phước, lãnh đạo Sở Công Thương xác định yếu tố quan trọng nhất là phải có kế hoạch toàn diện, lịch trình, nhiệm vụ và bộ công cụ hỗ trợ rõ ràng, thiết thực, hiệu quả cao; doanh nghiệp địa phương phải liên kết chặt chẽ với nhau, liên kết với khu vực FDI ngay tại tỉnh một cách hiệu quả để các bên cùng có lợi khi gia nhập vào sân chơi quốc tế đang ngày càng cạnh tranh gay gắt. Ngoài ra, không chỉ thúc đẩy những ngành hàng, lĩnh vực hiện có mà xác định đón đầu ngay những ngành hàng, lĩnh vực đang nổi lên như nhiên liệu sinh học, nhiên liệu xanh, nhựa sinh học mà địa phương có lợi thế từ vỏ hạt điều, gỗ,…; tạo nhiều việc làm với mức thu nhập tăng cao trên toàn tỉnh.
Đặc biệt, từ Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy, đến những Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định của UBND tỉnh ban hành hàng loạt đề án có liên quan để đón đầu cơ hội quốc tế đang phổ biến nhanh và rộng thì không thể bỏ qua công nghệ, quy trình sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và thích ứng biến đổi khí hậubao quát cả thực phẩm (heo, gà,…), nông sản (điều và sản phẩm từ cây điều, cao su, sầu riêng,…) và gỗ chế biến sâu (bao gồm gỗ viên nén công nghệ cao).