Bất động sản khu công nghiệp cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ ra sao?
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (HoSE: VFS), mặc dù nguồn vốn FDI đăng ký vào Viêt Nam bị ảnh hưởng khi tình hình vĩ mô bất ổn, nhưng vốn FDI thực hiện vẫn đạt mức kỷ lục 17,45 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022, cho thấy niềm tin mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn diễn ra.
Tuy nguồn cung còn rất hạn chế nhưng nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp luôn duy trì ở mức rất cao. |
Trong đó, 58% nguồn vốn FDI tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tương ứng với việc nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp luôn ở mức cao.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng nguồn cung bất động sản khu công nghiệp còn rất hạn chế. Cụ thể, quỹ đất công nghiệp có thể cho thuê phát triển chậm trong 6 tháng vừa qua. Mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt hơn 10% và phần lớn các địa phương đều có mức tăng trưởng dưới 5%. Ngoài ra, quỹ đất tăng thêm chỉ diễn ra cục bộ, chủ yếu nằm tại các thủ phủ khu công nghiệp như Bình Dương, Long An, Hải Dương.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy tại các địa phương đều ở mức cao, phần lớn đều trên 80%. Các địa phương có diện tích đất công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều có tỷ lệ lấp đầy trên 90%.
Cũng theo báo cáo, giá thuê bất động sản khu công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao sau nửa đầu năm tăng trưởng mạnh, cho thấy nguồn cung khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thuê. Giá thuê khu công nghiệp tăng mạnh kể từ cuối năm 2021, trung bình 37%. Trong đó, giá thuê khu công nghiệp tại Bình Dương tăng mạnh nhất với mức tăng 101%.
Trong quý III/2022, đà tăng của giá thuê khu công nghiệp đã có sự chứng lại nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Cá biệt giá thuê khu công nghiệp ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng.