Bất động sản bán lẻ: Nhiều thương hiệu mới, nhãn hàng mở rộng mặt bằng
Ngày 9/10, tại họp báo công bố tiêu điểm thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh quý 3/2024, CBRE Việt Nam cho biết, trong suốt 3 năm liền từ năm 2020 đến 2022, TP. Hồ Chí Minh đã không có nguồn cung trung tâm thương mại mới nào được hoàn thành.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thị trường dần trở nên sôi động hơn với bốn trung tâm thương mại mở mới, bao gồm hai trung tâm thương mại của Vincom mới đi vào hoạt động trong quý 2, Trung tâm thương mại Parc Mall (35.000 m2, quận 8) vừa khai trương trong quý 3 và Central Premium Mall (30.000 m2, quận 8) dự kiến hoàn thành trong quý 4. Quy mô của thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh tính đến quý 3 ghi nhận đạt gần 1,2 triệu m2.
Các trung tâm thương mại mở mới tại TP. Hồ Chí Minh đều được lấp đầy gần như 100% - (Ảnh minh họa) |
Cùng với các trung tâm thương mại mở mới là sự hiện diện của các thương hiệu mới, nhãn hàng mở rộng mặt bằng, diện tích lấp đầy trung bình được cải thiện, tăng từ 93% lên 94%.
Riêng trong 9 tháng 2024, mặt bằng bán lẻ được cho thuê mới ghi nhận là 87.000 m2, cao nhất trong 3 năm gần đây. Các trung tâm thương mại mở mới đều được lấp đầy gần như 100%, dẫn đến tỷ lệ trống trung bình toàn thị trường ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm xấp xỉ bằng nhau, chỉ ở mức 5-6%.
Theo CBRE Việt Nam, giá thuê của khu vực trung tâm hầu như không đổi do không còn diện tích trống để cho thuê, trung bình tầng trệt và tầng một đạt 274 USD/m2. Giá thuê khu vực ngoài trung tâm trung bình ghi nhận 53 USD/m2, giảm 0,9% so với quý trước vì các Trung tâm thương mại mở mới đều nằm ở các quận ven nên có giá chào thuê mềm hơn mặt bằng chung, nhưng vẫn cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt bằng giá thuê tại TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã chứng kiến đà tăng đáng kể, và các trung tâm thương mại có vị trí đắc địa vẫn liên tục được nhiều khách thuê săn đón, bao gồm cả các thương hiệu mới vào thị trường và các thương hiệu hiện hữu.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, có thể thấy được rằng, sau một khoảng thời gian dài yên ắng và chịu tác động của đại dịch Covid-19, đến nay các nhãn hàng đã dần lấy lại niềm tin và mạnh dạn hơn trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng của mình. Thống kê của CBRE trên tổng số giao dịch trên thị trường trong ba năm vừa qua, thị trường ghi nhận sự mở rộng chủ yếu đến từ các nhãn hàng F&B (thực phẩm và đồ uống, chiếm đến 35%), theo sau đó là các nhãn hàng thời trang và phụ kiện (33%).
Trong khi đó, ngành hàng Lifestyle (phong cách sống) đứng thứ 3 với 13%, cũng đang dần vươn lên. Đây là ngành hàng có xu hướng phát triển khá mạnh ở nước ngoài và dần lan rộng ở Việt Nam, với diện tích kinh doanh mỗi cửa hàng cũng ngày càng lớn hơn, có thể lên đến 1.000 m2. Đa phần các nhãn hàng này đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Hong Kong - Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.