HUBA đề xuất nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh vượt thách thức Gánh nặng bủa vây doanh nghiệp, HUBA đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ |
Vượt gió ngược
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi chậm do xung đột Nga - Ukraine leo thang, kéo dài; xung đột giữa Israel - Hamas diễn ra từ tháng 10/2023 làm dấy lên lo ngại về giá năng lượng, giá lương thực, thực phẩm tăng cao gây áp lực lớn đến lạm phát; thị trường tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy vậy kinh tế TP. Hồ Chí Minh vẫn đứng vững dù phải chịu tác động lớn từ kinh tế thế giới trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, các nguồn lực về vốn, nhân lực của doanh nghiệp đang cạn dần.
Các ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 tăng trưởng dương |
Cụ thể, từ mức tăng trưởng GRDP 0,7% của quý I/2023, Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đạt mức tăng trưởng tích cực trong quý II (+5,87%), quý III (+6,71%). Nghị quyết số 98/2023/QH15 được Quốc hội ban hành vào cuối tháng 6/2023 như là động lực, tiếp thêm sức mạnh để kinh tế Thành phố tăng tốc ở quý IV (+9,62%), góp phần đưa tăng trưởng cả năm đạt 5,81%. Đáng chú ý, các lĩnh vực trọng yếu gồm công nghiệp, dịch vụ của Thành phố đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 4,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.190.407,3 tỷ đồng, tăng 9,6%...
Đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế trong năm qua của Thành phố là sự nỗ lực của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, bằng sự năng động, sáng tạo, các doanh nghiệp đã chủ động những giải pháp khác nhau để vượt qua bối cảnh thách thức về suy giảm xuất khẩu, suy giảm sức mua tại nội địa.
“Năm 2023 là năm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là tình hình sụt giảm của cầu thị trường thế giới, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp. Nguyên nhân này xuất phát từ chỗ nhiều năm qua các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào xuất khẩu (dệt may, da giày, đồ gỗ,…) nhưng năm 2023 nhu cầu nhập khẩu những ngành hàng này giảm lại giảm mạnh. Tại nội địa, sức cầu cũng sụt giảm bởi chịu tác động từ việc cắt giảm đơn hàng nên nhiều doanh nghiệp giảm sản xuất, dẫn tới giảm thu nhập của người lao động, tạo áp lực lên chi tiêu mua sắm…”- ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) đánh giá.
Vẫn còn nhiều thách thức trong 2024
Dự báo về thị trường năm 2024, các ý kiến doanh nghiệp cho rằng, trong nửa đầu năm tình hình chung vẫn còn khó khăn và phải đến nữa cuối năm mới có thể khởi sắc hơn. Điều này khiến nhiều ngành như xuất khẩu, bất động sản, thậm chí là tiêu dùng nội địa… vẫn còn trong giai đoạn khó khăn và cần có sự liên kết các chính sách để giúp doanh nghiệp vượt qua.
“Năm 2024 không nhất thiết phải có thêm chính sách mà quan trọng hơn cả là các chính sách này phải có sự liên kết với nhau”- ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Trong đó, với bất động sản, theo ông Hòa, năm 2023 thị trường này sụt giảm mạnh song nếu bình tĩnh nhìn và phân loại sẽ thấy thị trường giảm ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên phân khúc này lại không hướng tới người mua nhà thực sự mà là nhà đầu tư, đầu cơ. Trong khi đó đại bộ phận người dân vẫn có nhu cầu mua nhà ở, do đó phân khúc nhà ở xã hội hiện vẫn cần.
“Tôi cho rằng bên cạnh vấn đề giải phóng nguồn lực, giải quyết thủ tục vướng mắc đất đai cho người phát triển dự án cần có giải pháp hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà. Tức là chúng ta phải làm cả lãi suất hỗ trợ kép cho người xây và người mua”- ông Hòa đề xuất.
Riêng đối với hoạt động xuất khẩu, theo ông Hòa muốn xuất khẩu được thì phải có hoạt động xúc tiến thương mại. Dù vậy, thay vì làm xúc tiến mang tính chất chung chung, cần xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm. Chẳng hạn thay vì chỉ tập trung khai thác những thị trường truyền thống Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á, doanh nghiệp nên chú trọng thị trường Ấn Độ. Đây vốn là thị trường đông dân, có sức mua tốt, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đối “dễ chịu” cho hàng Việt nhưng chưa được khai phá. Do đó, trong xúc tiến phải chia nhóm và xác định đâu là thị trường mới có tiềm năng để dồn sức.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cơ quan quản lý cần điều hành các chính sách vĩ mô (lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng và tỉ giá ngoại tệ) với nhịp độ nhanh hơn nhằm đáp ứng những biến động của thị trường.
“Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có nhiều nhưng chúng tôi kiến nghị năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài. Trong đó, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nhà nước có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng bán lẻ để tạo sự sôi động cho thị trường…”- ông Đức đề xuất.