Bảo hiểm y tế: Phao cứu sinh cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những lợi ích của việc sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS?
Điều trị ARV không chỉ mang lại sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm lây truyền HIV, do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội.
TS. Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) |
Tuy nhiên, người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút liên tục, suốt đời, bên cạnh đó họ còn hay bị mắc các nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc bệnh tật. Trong khi chi phí cho điều trị HIV/AIDS bao gồm thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng vi rút, các xét nghiệm chức năng gan, thận... rất cao. Nhưng khi người bệnh mua thẻ BHYT thì số tiền bỏ ra nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền họ được hưởng khi điều trị.
Như vậy, tham gia BHYT sẽ giảm gánh nặng tài chính rất lớn với người nhiễm HIV/AIDS. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý.
Để tham gia BHYT, người nhiễm HIV cần có thủ tục gì, thưa ông?
Với người nhiễm HIV có đủ giấy tờ, điều kiện kinh tế thì việc tham gia BHYT tương tự như người dân không nhiễm HIV, đó là mua BHYT theo hộ gia đình ở đại lý BHXH tuyến xã, phường.
Còn với người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT hoặc hết hạn BHYT thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí đóng BHYT thì: Cơ sở điều trị HIV/AIDS hướng dẫn người nhiễm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thẻ BHYT và lập danh sách những người đó gửi đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố mua tập trung.
Theo ông, khó khăn nhất trong việc thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV hiện nay là gì và giải pháp hỗ trợ ra sao?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT cũng có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Vì hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân.
Trước thực tế đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có Công văn số 380/AIDS-VP ngày 30/5/2018 về hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Hiện nay, đã có 35/63 tỉnh, thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ, với gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV; 18/63 tỉnh, thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.
Xin cảm ơn ông!