Bảo đảm tiền lương, thưởng Tết cho người lao động
Bức tranh thưởng Tết 2024
Báo cáo nhanh của 62/63 tỉnh thành, khảo sát 47.374 doanh nghiệp, tương ứng 4,79 triệu lao động gửi về Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy: Khoảng 61,37% doanh nghiệp trong tổng số 47.374 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 mức thưởng bình quân 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Mức thưởng Tết năm 2024 tương đương mức thưởng năm 2023 |
Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm 2024 là 5,68 tỷ đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An. Như vậy, năm 2024 ghi nhận đột phá về mức thưởng cao nhất dịp Tết âm lịch cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Đối với tiền lương, trong năm 2023, tiền lương tăng 3%, bình quân ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng, tăng 3% cùng kỳ năm 2022. Tiền lương cao nhất năm là 834 triệu đồng/tháng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn FDI ở Đồng Nai.
Ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện mà doanh nghiệp còn có hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết truyền thống như tặng giỏ quà, tặng tiền tàu xe về quê đón Tết hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê, bố trí hợp lý thời gian nghỉ Tết để người lao động có lịch trình thích hợp, đặc biệt đối với lao động làm việc xa quê.
Báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết chỉ là thông tin thị trường tham khảo, không bắt buộc. Trên thực tế, pháp luật không có quy định cụ thể về thưởng Tết hay lương tháng 13. Tuy nhiên, có thể trong hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động ký kết thỏa thuận về việc hưởng "lương tháng 13" hoặc cách tính toán thưởng Tết dựa trên mức lương, vị trí việc làm, chức danh công việc, hiệu quả làm việc trong năm, tình hình kinh doanh của công ty…
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở).
Thưởng Tết có thể thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc các hình thức khác nhưng thông thường thưởng Tết ở Việt Nam bằng tiền. Đây cũng được xem là nội dung trong chính sách phúc lợi của doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ, động viên của doanh nghiệp đối với người lao động sau một năm đồng hành, cống hiến.
Mang phúc lợi tốt hơn đến với người lao động
Như vậy, thưởng Tết được xem là một khoản thưởng không bắt buộc. Thay vào đó, tùy thuộc vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong một năm mà quyết định có hay không có thưởng Tết. Tuy nhiên, nhằm tạo động lực cho người lao động phấn đấu sản xuất, gắn bó với công ty nên dù còn gặp khó song nhiều đơn vị vẫn nỗ lực bảo đảm lương và thưởng Tết cho người lao động.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, trong điều kiện khó khăn chung, các doanh nghiệp trong toàn hệ thống ngành dệt may đã nỗ lực tìm giải pháp ổn định việc làm, đời sống và chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán. Thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động đạt gần 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương.
Tập đoàn và Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao động ở cả ba miền như gặp mặt, trao quà cho 400 lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi túi quà trị giá khoảng 1 triệu đồng, tổ chức phiên chợ Tết giảm giá sản phẩm cho người lao động, hỗ trợ chuyến xe nghĩa tình đến các đơn vị... Đồng thời, các cấp trong hệ thống dự kiến chi gần 33 tỷ đồng để tặng quà tất cả người lao động, xem xét trợ cấp cho người lao động khó khăn. Ngoài ra, các đơn vị sẽ có quà đầu năm cho người lao động.
Theo đại diện công đoàn công ty ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do đơn hàng giảm nhưng nhiều công ty vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết như mọi năm.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam - cho biết: Nếu tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quá khó khăn, mức thưởng Tết sẽ giảm hơn năm trước nhưng không quá nhiều. Bởi các đơn vị vẫn muốn giữ chân người lao động để chờ nền kinh tế phục hồi vào năm 2024.
Tại tỉnh Đồng Nai, bên cạnh các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều nơi ban giám đốc đã sớm chốt lương, thưởng Tết để người lao động yên tâm làm việc và có kế hoạch nghỉ Tết. Tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), gần 40.000 công nhân phấn khởi khi công ty công bố nâng lương, thưởng Tết vào cuối tháng 11. Tỷ lệ thưởng căn cứ vào thời gian làm việc của người lao động. Cụ thể, người mới được tuyển vào tháng 1/2024 được thưởng 500.000 đồng. Công nhân làm việc từ 20 năm trở lên được thưởng 200% lương cơ bản và lương công việc...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, mặc dù phần lớn doanh nghiệp bảo đảm được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận công ty, đơn vị vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng hoặc suy giảm sức chống chọi sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hiện tại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao cấp cơ sở phân loại mức độ khó khăn của doanh nghiệp để lựa chọn hình thức thương lượng phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, từ đó hạn chế tranh chấp, ngừng việc tập thể. Đồng thời, kịp thời phát hiện và có giải pháp bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định.
Dự kiến trong tháng 1/2024 Cục Quan hệ lao động và Tiền lương sẽ có báo cáo chung về tình hình lương thưởng cũng như nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội khi các địa phương báo cáo đầy đủ. Báo cáo sẽ miêu tả toàn cảnh "bức tranh" tiền lương, tiền thưởng khi có sự hiện diện của các địa phương đông doanh nghiệp, lao động như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang… |