Bảo đảm an sinh xã hội vùng Tây Bắc
Phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và 21 huyện phía Tây của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam. Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chung tay xóa nghèo
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo (Chương trình 30a), 43/43 huyện nghèo trong vùng Tây Bắc đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết đến năm 2020 với tổng số tiền 2.114,58 tỷ đồng (chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước). Nguồn lực này tập trung vào các lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã; hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội...
Từ năm 2009 đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội, giao lưu với các chủ đề “Chung tay cùng Tây Bắc và các huyện nghèo”, “Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc”... Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, hưởng ứng sự kêu gọi, vận động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và một số thành phố lớn đã cam kết hỗ trợ gần 1.700 tỷ đồng, trong đó, riêng ngành Ngân hàng đã hỗ trợ vượt mức cam kết với tổng số tiền trên 1.100 tỷ đồng để giúp đồng bào nghèo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã hỗ trợ đồng bào nghèo về sinh kế, tổ chức các lớp học nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản cho người dân các địa phương vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình...
Từ năm 2012, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Đại học Quốc gia phối hợp triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đây là chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ có ý nghĩa thực tiễn, được Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giúp các tỉnh trong vùng đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Sản phẩm khoa học và công nghệ chủ yếu nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm hàng hóa...
Tuy nhiên, để xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo tiền đề cho Tây Bắc phát triển thì công tác an sinh xã hội cần được tiếp tục quan tâm.
Những giải pháp chiến lược
Để nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội đối với vùng Tây Bắc, cùng những nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, cần có những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài.
Một là, tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển và định hướng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương...
Có chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, sử dụng nguồn lao động của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu đào tạo đến giải quyết việc làm giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề.
Hai là, thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất tinh thần người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao mức sống gia đình người có công trên địa bàn.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với đối tượng yếu thế, đối tượng xã hội, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Chủ động nguồn lực tại chỗ, hỗ trợ cho người dân bị thiên tai, dịch bệnh, không để người dân đói, trẻ em bỏ học.
Ba là, thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình, bảo đảm đúng đối tượng được hưởng; lồng ghép các chương trình, dự án dạy nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, tạo sinh kế cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ hoặc vào làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững.
Bốn là, tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng trong toàn xã hội sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đối với vùng nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Có hình thức vinh danh, khen thưởng, ghi nhận, động viên kịp thời đối với các tổ chức và cá nhân làm tốt công tác an sinh xã hội.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp mạnh, làm ăn có lãi đều tự nguyện tham gia công tác an sinh xã hội; nguồn quỹ an sinh xã hội được xây dựng từ các ngày làm việc thêm giờ thứ 7, chủ nhật của công nhân viên chức, người lao động và sự đóng góp tự nguyện trực tiếp của từng cá nhân.
Vì vậy, đối với các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có nguồn quỹ an sinh xã hội dồi dào, các cơ quan chủ quản, các bộ, ngành, địa phương có thể gợi ý địa chỉ để doanh nghiệp đầu tư, giúp đỡ, như cách làm có hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua.
Cuối cùng, cần xây dựng và ban hành những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là đối với việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân.
Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ phối hợp với các tỉnh, các cơ quan liên quan nắm bắt thông tin về doanh nghiệp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp đã được trao Giấy chứng nhận xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện gói tài trợ; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng cam kết. |