Báo chí truyền thông góp phần bảo vệ công lý và quyền trẻ em
Đó là chia sẻ của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, LĐ-TB&XH) tại hội thảo “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em” do Cục Trẻ em phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 8/8.
Theo ông Nam, ngày nay truyền thông, báo chí có vai trò rất quan trọng và ngày càng quan trọng. Chính vì sự quan trọng đó, báo chí nên nghiên cứu và nắm rõ quyền trẻ em để bảo vệ trẻ em không bị xâm hại. Không chỉ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà cơ quan báo chí cần tiếp cận cả gốc độ pháp luật và gốc độ đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB & XH) phát biểu tại hội thảo |
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD cho rằng: “Nhà báo có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em, chính vì vậy mỗi nhà báo cần nắm rõ về quyền trẻ em và có tâm huyết quyết tâm bảo vệ trẻ em. Việc báo chí tác nghiệp, đưa tin bài về chủ đề trẻ em nghĩ thì dễ nhưng làm được cũng rất khó, đã có nhiều nhà báo day dứt và đấu tranh giữa trách nhiệm của một công dân và trách nhiệm, nghiệp vụ của nghề báo”.
Theo ông Nguyễn Đình Thành - Giám đốc điều hành CSCI Indochina, đồng sáng lập Elite PR School, truyền thông ngày nay trở nên đa chiều, chúng ta gọi là thế giới phức hợp. Cuộc sống xã hội đang chuyển dần sang không gian số, ở không gian này có nhiều cơ hội lẫn những bất cập, tai nạn không thể lường trước hậu quả.
Báo chí không chỉ tham gia đưa tin vụ việc xâm hại trẻ em tạo dư luận mà còn bảo vệ công lý và quyền trẻ em |
Với sự phát triển của mạng xã hội, mọi lúc mọi nơi chúng ta đều biết có chuyện gì trên thế giới xảy ra, những công dân đều có thể trở thành “nhà báo” nhưng “nhà báo công dân” này khác với nhà báo thật sự.
Nhà báo phải luôn chịu trách nhiệm với những gì mình đăng tải. Trong khi đó “nhà báo công dân” họ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và phát thông tin lên mạng xã hội nhưng không chịu kiểm chứng thông tin, hoặc thông tin họ đăng tải chỉ một phần nhỏ trong vụ việc, không cung cấp đầy đủ thông tin dẫn đến công chúng có cái nhìn chưa chính xác sự việc.
Nhà báo cần phải cẩn trọng trong quá trình tác nghiệp thu thập thông tin và quá trình trình bày bài viết. Nhà báo cần phải lắng nghe, thấu hiểu và hành động để đạt hiệu quả truyền thông nhất và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không để báo chí làm ổn thương đến các em.
Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội trên 5 tờ báo điện tử nằm trong Top 50 trang web được truy cập hàng đầu Việt Nam, chỉ trong một năm (2016), đã có đến 548 bài báo có nội dung không bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em, trong đó xâm hại tình dục có tỷ lệ bài viết cao nhất (47%).