![]() |
Báo chí cần thích ứng với những thay đổi trong môi trường truyền thông số. Ảnh minh họa |
Kết nối tư duy, xã hội
Tại đọa đàm “Báo chí trong môi trường truyền thông số” mới đây ở Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho rằng, đặc trưng căn bản nhất có ý nghĩa quyết định nhất của kỹ thuật và công nghệ số là tạo ra khả năng kết nối cho mọi hoạt động của chúng ta từ tư duy, nhận thức cho tới hành xử.
“Khi thay đổi nhận thức và tư duy thì chúng ta mới thay đổi được lịch sử”, PGS. TS. Nguyễn Văn Dững khẳng định và giải thích rõ hơn, thường con người ta quan niệm như thế nào thì hành xử như vậy. Do đó, nếu muốn thay đổi cách hành xử thì phải thay đổi nhận thức, tức là thay đổi khái niệm, làm quen với thế hệ số, bản chất của thế hệ số. Từ đó, nó chi phối toàn bộ năng lực tư duy, phong cách tư duy, cách sống, cách làm việc của chúng ta. “Kéo cả thế giới vào cuộc, chứ không phải góp vốn làm thuê nữa, không phải là chỉ cộng đồng làm nữa. Chúng ta đang làm quen với bối cảnh này và phải thích nghi dần với bối cảnh này” - ông Dững nhấn mạnh.
Xét trong môi trường báo chí, hiện nay báo chí hoạt động trong môi trường truyền thông số, kỹ thuật số thì rất khác. Năng lực báo chí sẽ nâng lên gấp bội, gấp hàng ngàn lần, công chúng thay đổi, người làm báo thay đổi, xã hội thay đổi, tất cả chúng ta đều phải thay đổi theo hướng kết nối nền truyền thông của quốc gia, dân tộc trong tiến trình toàn cầu hóa. Ông Dững cho rằng, hiện đây không còn là cuộc cách mạng về kỹ thuật, mà quan trọng là cuộc cách mạng về tư duy.
Trong giai đoạn công nghệ số và bùng nổ truyền thông như hiện nay, báo chí hay mạng xã hội đều có thể bị lợi dụng để dẫn dắt dư luận. Nhưng cũng chính mạng xã hội lại là nơi có thể giám sát, thức tỉnh và lan truyền các thông tin tích cực. TS. Nguyễn Quang Hòa, giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: Môi trường truyền thông số ngày nay đã và đang làm thay đổi mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế đến giáo dục, y tế hay an sinh xã hội; tạo những cơ hội vàng cho truyền thông - giao tiếp xã hội. Bên cạnh đó, truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển chưa từng có; phương tiện truyền thông mới, truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm lên ngôi.
Theo ông Hòa, những thay đổi này dẫn đến hình thành các khái niệm mới như công chúng chủ động, truyền thông đa chiều... Điều đó buộc báo chí phải nhanh chóng thay đổi theo hướng kết nối xã hội để lấy lại vị thế chủ đạo, thu hút công chúng, khách hàng, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ tuyên truyền cũng như phát triển sự nghiệp báo chí - truyền thông.
Phải biết chinh phục
Rõ ràng, trong môi trường truyền thông số, người làm báo cần thay đổi theo hướng kết nối truyền thông của quốc gia, kết nối xã hội để lấy lại vị thế chủ đạo, thu hút công chúng, khách hàng. Trong Internet nói riêng và trong công nghệ số nói chung, theo ông Nguyễn Văn Dững, chúng ta nên khai thác những mặt tích cực. Ông Dững lấy ví dụ từ những câu chuyện thực tế: Việt Nam có một khu vực thường xuyên năm nào cũng có lũ, đó là đồng bằng sông Cửu Long. Lũ lên ngập nhà cửa, ruộng đồng, đường xá... gây ra những phiền phức cho con người ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, lũ đưa phù sa về khiến lúa và hoa màu tươi tốt hơn, thủy sản cũng có thêm nguồn dinh dưỡng. Theo đó, vấn đề toàn cầu hóa, kỹ thuật và công nghệ số cũng gần như thế, do vậy tùy hoàn cảnh, điều kiện mà báo chí nên khai thác theo hướng phù hợp.
Bàn về những kỹ năng cho báo chí trong môi trường kỷ nguyên số, các diễn giả cho rằng, vấn đề bản quyền, an ninh mạng, sao chép, tạo dựng tri thức giả, rồi những tác động hàng ngày… là những quá trình song song với nhau. Quá trình toàn cầu hóa đồng thời cũng đại chúng hóa, một tin tức có thể phổ cập rất nhanh với tốc độ siêu cấp trên toàn thế giới. Quá trình thứ hai là quá trình phi đại chúng hóa, tức là báo chí phải đi tìm công chúng. Báo chí của chúng ta đang đi theo hai hướng này tuy nhiên đều có những giải pháp về mặt lý thuyết và kĩ năng riêng. Đại chúng và phi đại chúng hóa trong môi trường công nghệ số phát triển hiện nay cũng giống như trong thương mại: Chúng ta có thể đi vào một siêu thị rất lớn, đi cả ngày mà không hết những gian hàng nhưng đồng thời cũng có thể vào các gian hàng nhỏ để thỏa mãn những nhu cầu của mình.
Cụ thể hơn, TS. Nguyễn Quang Hòa phân tích, báo chí trong công nghệ số ngoài việc đại chúng hóa ra thì cũng cần phải tìm ra những lối đi riêng, những lối đi nhỏ có thể vào tận tâm tư, tình cảm của mỗi con người, vào tận mỗi nhà dân, để sau đó họ có thể tự tìm đến mình thực hiện nhu cầu. Mặt tích cực nhận được sẽ là rất rõ, lan truyền nhanh hơn, rộng rãi hơn. Nó giống như việc trước đây chúng ta biết một câu chuyện xã hội, gây được hiệu ứng xã hội thấp. Thì hiện nay, hiệu ứng xã hội đã ở mức rất cao.
Báo chí trong môi trường công nghệ số, xét cho cùng còn phụ thuộc ở kĩ năng truyền thông của cá nhân người làm báo. Ông Dững đưa ra kết quả từ cuộc phỏng vấn sinh viên ra trường tại Mỹ cách đây 5 năm. Với khoảng hơn 2.000 sinh viên được hỏi, hơn 70% trong số đó trả lời: Nguyên nhân giúp họ thành công là nhờ kĩ năng truyền thông. “Kỹ năng truyền thông không phải là PR cho bản thân mình mà là kĩ năng giao tiếp ứng xử trong các môi trường giúp chúng ta thành công. Kĩ năng giao tiếp truyền thông phải làm sao để thuyết phục được người khác, người làm báo là người thuyết phục công chúng. Người làm báo phải là một nhà truyền thông biết tìm lối đi cho riêng mình, biết thuyết phục người khác, chinh phục người khác” - ông Dững cho hay.