Bài 3: Hướng đi để khai thác nguồn thủy điện bền vững, an toàn Bài 2: Chuyển động từ một nghị quyết quan trọng của Quốc hội Bài 1: Lũ lụt có phải do thủy điện? |
Đừng để Chính phủ làm nhiều, dư luận vẫn hiểu sai
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, sáng 30-10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các cơ quan báo chí thông tin một cách khách quan, tránh thông tin sai lệnh về vấn đề nghi vấn lũ lụt là do thủy điện vì thời gian qua có những thông tin trên báo chí không khách quan.
“Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều - đó là quy luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất. Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan, như có bài báo viết “Các thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ, nhà dân ngập nước. Mưa thì nước lên, không có thủy điện thì nước càng lên mạnh. Thủy điện cũng phải xả nước tràn để đảm bảo độ an toàn, nhưng không hề thấy nói về hồ thủy lợi, một số hồ thủy lợi còn hơn cả hồ thủy điện. Đổ lỗi cho Chính phủ, chính quyền là không khách quan. Khi mưa nếu không có đập thủy điện thì nước lên càng nhanh và càng nguy hiểm. Các nhà khoa học, các bộ ngành, các cán bộ công chức phải có ý kiến”, Phó thủ tướng nêu quan điểm và kiến nghị.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 10-2020 của Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn |
Về vấn đề sạt lở đất, nhưng lại đổ lỗi cái chính là do phá rừng, Phó thủ tướng cho rằng: Mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước hay còn gọi là no nước làm cho tính kết dính rất kém. Khi có thêm tác động sẽ gây ra sạt lở đất rất mạnh. Đơn cử như ở Quảng Nam khi bão vào tác động mưa cục bộ thì sạt lở đất rất mạnh. Khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng, các đồng chí xem ảnh kìa”.
Về rừng ở Việt Nam, Phó thủ tướng cho biết, hiện nay, Việt Nam đứng thứ 50/193 quốc gia và phủ kín trên 40%, trong khi năm 1995 chỉ có 28%. Một số nơi phá rừng nhiều, chủ yếu ở Tây Nguyên vì bà con di cư vào nhiều, tìm nguồn phát triển kinh tế nên không kiểm soát được rừng, nhưng có những vùng như Trung bộ, Đông bắc... bây giờ rừng phủ kín.
Do đó, một số mạng xã hội, thông tin trên báo chí đã đổ lỗi cho chặt rừng dẫn đến sạt lở đất, đổ lỗi cho thủy điện làm sạt lở đất là không khách quan. Lấy ngay dẫn chứng về sự việc ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế), Phó thủ tướng cho biết: “Ở Thủy điện Rào Trăng 3, sạt lở đất không phải ở phía thủy điện. Thủy điện ở đó đang xây dựng chứ không phải thủy điện làm rồi. Còn rất nhiều khu vực khác sạt lở đất không có thủy điện”.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan có ý kiến, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến, không để tình trạng Chính phủ làm nhiều việc, nhưng vẫn có những thông tin sai, không đúng.
Nhiều chuyên gia: Không “đổ lỗi tất cả cho thủy điện nhỏ”
Cùng thời điểm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ sự bức xúc trước những thông tin sai lệch về thủy điện và lũ lụt, tại tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do Hội Truyền thông số tổ chức tại Hà Nội, đã có nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý đưa ra những phân tích sâu hơn về vấn đề này.
PGS, TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết: Năm 2010, nhóm công tác châu Âu về Đập và lũ lụt đã xuất bản báo cáo đánh giá khả năng giảm nhẹ lũ lụt của đập và trên cơ sở tính toán về mức độ giảm nhẹ lũ lụt của tất cả các quốc gia châu Âu. Thực tế đã chứng minh các đập nước, bao gồm cả thủy điện, thủy lợi và cấp nước đã giúp giảm nhẹ lũ lụt ở tất cả các quốc gia châu Âu. Tại châu Âu, quy mô và số lượng các đập thủy điện lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam. Các con số thống kê và theo dõi tại châu Âu cho thấy, không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào các đập thủy điện làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do Hội Truyền thông số tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Vietnamplus. |
Về vấn đề phá rừng gây lũ lụt, PGS, TS Vũ Thanh Ca phân tích thêm: Hiệp hội của các Tổ chức nghiên cứu Rừng quốc tế cho biết, rừng có khả năng ngăn và giảm nhẹ các trận lũ nhỏ và cục bộ. Tuy nhiên, không có khả năng ngăn các loại lũ cực đoan hoặc diễn ra trên diện rộng như vừa diễn ra ở miền Trung nước ta.Theo đánh giá của châu Âu, các hồ nhỏ không có khả năng chống lũ, nhưng lượng nước giữ được trong hồ luôn lớn hơn gấp nhiều lần so với khả năng giữ nước của các khu rừng tồn tại trong vùng lòng hồ.
Ông Nguyễn Tài Sơn, Chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình điện, người có kinh nghiệm 40 năm trong ngành xây dựng thủy điện, từng tham gia tư vấn thiết kế nhiều dự án thủy điện lớn như Tuyên Quang, Lai Châu phân tích, tại miền Trung, các hồ thủy điện cũng đã góp phần không nhỏ vào việc cắt lũ, như hồ Quảng Trị cắt 21%, Hương Điền cắt tới 45% đỉnh lũ, hồ Bình Điền 42,3%, Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%, đặc biệt trận lũ ngày hôm qua, hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%...
Đánh giá về các thông tin việc xây dựng nhiều thủy điện vừa và nhỏ tại các khu vực vùng núi gây mất rừng, xói mòn, sạt lở đất, ông Sơn cho rằng, thủy điện nhỏ chủ yếu ở miền núi, đặc điểm địa hình dốc, lòng hồ hẹp với điểm đặc trưng là mùa khô ít nước, mùa lũ nước cao. Cùng với đó, mỗi dòng sông đều có hành lang thoát lũ tự nhiên nên sự ảnh hưởng của công trình thủy điện tới việc rất rừng là rất hạn chế.
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, dư luận không đồng thuận với thủy điện vì lý do gây lũ, tôi cho rằng không chính xác, có thể do thông tin chưa đến với người dân đầy đủ nên tạo ra những sai lệch thông tin.
Làm thế nào để sống chung với thủy điện và mưa lũ?
Từ năm 2009, cuộc hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức đã khẳng định, thủy điện không phải nguyên nhân gây ra lũ lụt, song tại hội thảo, các nhà khoa học đã lưu ý một số vấn đề mà các thủy điện miền Trung cần phải khắc phục như: Khâu tái quy hoạch phát triển, sắp xếp lại dân cư để ứng phó với việc xả lũ ở các hồ chứa.
Năm 2013, Bộ Công Thương từng họp đánh giá kiểm điểm tình hình phát triển thủy điện và công tác quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hội nghị khẳng định, các hồ chứa chỉ "góp phần giảm lũ chứ không gây thêm lũ". Thế nhưng hội nghị cũng đặt vấn đề phải phối hợp quản lý hồ chứa thủy điện tốt hơn, nhất là công tác quản lý vận hành xả lũ, làm tốt công tác dự báo…
Theo ý kiến của các chuyên gia, thủy điện vừa và nhỏ không phải là tác nhân chính gây lũ lụt như nhiều thông tin đồn thổi thời gian qua. Ảnh: Cand.vn |
Báo cáo đánh giá: “Không chỉ đem lại ích lợi to lớn trong sản xuất điện, các hồ chứa thủy điện có dung tích phòng lũ thường xuyên khoảng 9,35 tỷ m3, cùng với các hồ chứa thủy điện khác tích nước trong mùa lũ, đã góp phần đáng kể trong việc chủ động cắt, giảm lũ để bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực hạ du”. Trong 5 hạn chế mà báo cáo đưa ra, hoàn toàn không có vấn đề nào đề cập đến thủy điện nhỏ gây ra lũ lụt. Theo báo cáo, tổng số dự án thủy điện nhỏ nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt là 1.108 dự án. Tuy nhiên, theo báo cáo cũng bộc lộ những con số đáng suy nghĩ. Trong số 45 thủy điện công suất lớn hơn 30MW đã có: 41/45 phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập được Bộ Công Thương phê duyệt nhưng mới chỉ có 3/150 thuỷ điện nhỏ hơn 30MW được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Đối với phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa: 6/45 thuỷ điện lớn hơn 30MW; 2/150 thủy điện nhỏ hơn 30MW có phương án được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Như vậy, rõ ràng việc phòng chống ngập lụt cho hạ du vẫn là một câu hỏi lớn!
Chính vì vậy, Nghị quyết 62 của Quốc hội đã yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án thủy điện. Nghị quyết cũng nêu rõ: Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhất là các công trình vừa và nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng chưa cao. Tại một số công trình thủy điện, việc quản lý chất lượng xây dựng, bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, gây tác động tiêu cực…”. Nghị quyết cũng chỉ rõ phải: “Xây dựng đầy đủ phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du và cơ chế giám sát của cộng đồng đối với việc xả lũ của các hồ chứa”.
Sau hơn 5 năm thực hiện nghị quyết, báo cáo của Chính phủ vào năm 2017 cho biết, Bộ Công Thương đã tổ chức tổng cộng 10 đoàn công tác đi làm việc và trực tiếp kiểm tra về quy hoạch, chất lượng xây dựng công trình, quy trình vận hành hồ chứa, công tác an toàn, phòng, chống lụt, bão và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thủy điện trên địa bàn 17 tỉnh gồm, chủ yếu ở miền Trung và Tây nguyên; phối hợp với các địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện vận hành các hồ chứa thủy điện, rà soát hoàn thiện các quy trình vận hành hồ chứa còn bất cập. Đến năm 2017, đã xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập cho 222/278 đập, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Về phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện: 269/278 hồ đã có quy trình vận hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, 09/278 hồ đang xây dựng quy trình vận hành.
Nỗ lực là vậy, nhưng thực tế hiện nay, xung quanh vấn đề này vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trên thực tế, trong quá trình vận hành hồ thủy điện, vẫn còn một số địa phương, chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm. Tại báo cáo trả lời chất vấn trong lĩnh vực Công Thương gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ đã điểm danh một số dự án thủy điện chưa tuân thủ quy định như: Sau khi kiểm tra đột xuất công trình thủy điện Đăk Kar, Bộ Công Thương đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đối với chủ đầu tư và chuyển Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông xử lý theo thẩm quyền. Sau khi kiểm tra công tác vận hành hồ chứa thủy điện Sử Pán 1, Bộ Công Thương phối hợp với địa phương xử lý vi phạm của chủ đầu tư trong mùa lũ năm 2019 vì xả lũ khẩn cấp hồ chứa khi chưa thông báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và nhân dân vùng hạ du, gây ra nhiều hậu quả xấu.
Thực tế cho thấy, tuy thủy điện không phải là nguyên nhân gây ra lũ, nhưng nếu xả lũ không đúng quy trình chặt chẽ thì có thể gây ra lũ và nhiều hậu quả nghiêm trọng nên vấn đề chính lại ở khâu quả lý, điều hành, vận hành nhà máy.
Trong một hội thảo cách đây ít lâu, lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Hòa Bình từng thẳng thắn cho biết, để đánh giá thủy điện có gây ngập lụt hay không, trước tiên phải xem quy trình xả nước có đúng hay không. “Ngay như thiết kế chúng tôi được phép xả xuống hạ du 37.800 m3/s, nhưng chỉ cần xả một nửa lưu lượng là toàn bộ thành phố Hòa Bình đã buộc phải sơ tán”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh vai trò hồ chứa trong giảm lũ như trong đợt mưa lũ vừa qua ở Thừa Thiên-Huế, hồ chứa đã giảm lũ cho TP Huế gần 1m, nếu không hậu quả còn lớn hơn. Nhưng trước câu hỏi thủy điện có xả lũ trộm hay không, ông Hiệp cho biết: “Với hồ thủy điện lớn, tôi khẳng định là không, còn hồ nhỏ thì không thể xác định được. Bởi hầu hết thủy điện nhỏ đều chưa có thiết bị đo lưu lượng nước vào và ra; truyền thông tin tự động về trung tâm điều hành địa phương.
Trong quy trình hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực lớn cả nước, đa số là hồ thủy điện lớn, nhưng thủy điện nhỏ thuộc quản lý, điều hành của các tỉnh. “Chúng tôi đã nhận ra những bất cập trong quản lý các thủy điện nhỏ và đã bàn với Bộ Công Thương để khắc phục trong tương lai gần”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, khi mưa lũ còn diễn biến phức tạp ở miền Trung, thì phải tập trung điều hành xả lũ khoa học. Công tác vận hành liên hồ chứa tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đặc biệt chú ý điều hành, điều tiết, cắt lũ phải điều hành rất “nghệ thuật”. Thảm họa hay không là công tác điều hành, vận hành ở các trục hồ rất lớn".
Theo chuyên gia thủy lợi, PGS, TS Phạm Văn Song, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, các con đập thủy lợi, thủy điện là dạng công trình lợi dụng tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, có thể chỉ là thuần túy phát điện, có thể phục vụ dâng mực nước thượng lưu, phục vụ phòng lũ, hoặc du lịch. Các hạng mục chủ yếu của nó là có một đập dâng chặn ngang một con sông có thế là dạng đập đất, hoặc đất đá hỗn hợp hoặc bê-tông... và một hạng mục gọi là đập tràn để xả lũ (phần nước thừa) có thể có cửa van hoặc không có cửa van và một số hạng mục khác như cống lấy nước, cống xả cát (phù sa) … Khi có dự báo lũ lớn, đặc biệt các con lũ lịch sử, vượt thiết kế, các nhà máy thủy điện cuống cuồng xả bớt phần nước trong hồ nhằm hạ mực nước hồ để đề phòng khi lũ quá lớn vượt mức cho phép gây nguy cơ vỡ đập. Điều này vô hình chung ban đầu làm ngập lụt hạ du mặc dù lũ chưa tới. Đặc biệt ở một số lưu vực sông có nhiều thủy điện nhỏ liên tiếp dạng bậc thang, xả nước cùng lúc, cộng với lũ chính tới sẽ gây ngập lớn hơn cho hạ lưu. Đây là lý do mọi người ban đầu đổ tội cho thủy điện nhỏ. Trong quá trình xây các công trình thủy điện bắt buộc phải có một quy trình vận hành hồ chứa, với nhiều công trình trên một hệ thống sông thì quy trình phức tạp hơn gọi là quy trình liên hồ. Công tác điều hành và quy trình này rất quan trọng, phải được xây dựng khoa học và quản lý chặt chẽ.
Thủy điện nhỏ - Trách nhiệm chính từ các địa phương
Như vậy hiện nay, có thể thấy bài toán quản lý thủy điện nhỏ chủ yếu nằm ở trách nhiệm và sự chủ động của các địa phương, từ phê duyệt quy hoạch đến quản lý vận hành. Hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập như chưa có bản đồ cảnh báo các vùng ngập lụt hạ du mùa mưa lũ; chưa có các thiết bị giám sát, cảnh báo mức nước trong hồ thủy điện nhỏ, giám sát chặt chẽ quy trình xả lũ của thủy điện nhỏ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có một giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong xử lý các đơn vị vi phạm quy trình xả lũ. Năm 2018, việc hàng loạt nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn, Bản Ang, Chi Khê ở Nghệ An xả lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều bản làng ở hai huyện Tương Dương, Con Cuông. Theo kết quả khảo sát của Đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An, việc xả lũ sai quy trình của các nhà máy thủy điện đã gây thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng nhưng sau đó việc bồi thường rất chậm trễ, nhỏ giọt. Một vụ việc khác xảy ra năm 2019, hai người dân ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An chèo thuyền đánh bắt cá dưới chân đập thủy điện Nậm Nơn thì nhà máy thủy điện còi thông báo xả nước khiến một người chết. Sau đó, nhà máy đã bồi thường 650 triệu đồng. Trong vụ xả lũ sai quy trình ở Lào Cai, đến nay gần 2 năm trôi qua, việc bồi thường vẫn chưa dứt điểm vì vướng nhiều điểm trong cơ chế, thủ tục pháp luật. Rõ ràng là đã đến lúc phải có những chế tài nghiêm khắc và có những thiết chế hiệu quả để các chủ đầu tư thủy điện nhỏ và vừa không thể tùy tiện xả lũ.
Các công trình chính yếu của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 như đập, ống dẫn nước vẫn nguyên vẹn sau những trận mưa cực đoan thời gian qua. |
Về lâu dài, theo các nhà khoa học, các công trình hồ đập có thể coi là giải pháp công trình để hạn chế hậu quả của lũ lụt nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này đạt khoảng 20%, nhưng 80% còn lại vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên. Chính vì thế, không thể chỉ sử dụng thủy điện như phương án chính hạn chế thiệt hại của lũ lụt, mà phải phải sử dụng nhiều biện pháp phi công trình, sống chung với mưa lũ, bão lụt.
Tháng 7-2020 vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất". Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đã đưa ra các giải pháp xử lý sạt lở mái dốc, công nghệ đập ngăn bùn đá giảm nhẹ rủi ro lũ quét, sạt lở đất…, nhưng như ở Nhật Bản, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường cảnh báo, thực hiện giải pháp sơ tán nhân dân trước nguy cơ hiểm họa. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng chương trình đầu tư công trung hạn xây dựng nhà chống bão và lũ ở miền Trung.
Ông Đỗ Đức Quân cho biết, sau đợt bão lũ lịch sử vừa qua tại miền Trung, để tiếp tục rà soát và quản lý chặt các công trình thủy điện, Bộ Công Thương sắp tới sẽ yêu cầu các địa phương thẩm định, đánh giá về năng lực của toàn bộ các nhà máy thủy điện hiện có.
Hy vọng rằng từ những cơ sở đó, thời gian tới thủy điện nhỏ sẽ tiếp tục được quản lý tốt hơn, thật sự trở thành nguồn tài nguyên quý giá, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Minh Sơn - Thảo Nguyên báo qdnd.vn xuất bản ngày 31/10/2020