Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, nhiều sản phẩm OCOP đã không thể duy trì được vị thế trên thị trường và dần "chết yểu". Đáng báo động tại tỉnh Thanh Hóa, có đến 89 sản phẩm OCOP chưa đăng ký gia hạn lại, trong đó có những sản phẩm đã ngừng sản xuất hoặc không còn được tiêu thụ. Điều đó khiến doanh nghiệp chịu tổn thất lớn, đánh mất vị thế và niềm tin của khách hàng bấy lâu dày công xây dựng sản phẩm OCOP.
“Chết yểu” sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP
Theo khảo sát, nhiều sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa, dù đã được công nhận, lại không thể duy trì được vị thế trên thị trường và dần “chết yểu”. Nguyên nhân chính là do chất lượng sản phẩm chưa ổn định, khả năng cạnh tranh yếu và thiếu chiến lược phát triển bền vững. Nhiều chủ thể còn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng Lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh thăm gian hàng dầu lạc Phương Linh được công nhận OCOP từ năm 2021, nhưng sản phẩm OCOP này chỉ hoạt động được hơn 1 năm đã "chết yểu". Ảnh: Phương Linh. |
Việc một số chủ thể tham gia Chương trình OCOP chỉ với mục tiêu đạt được chứng nhận, mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh bền vững, đã biến OCOP thành một cuộc đua thành tích. Nhiều sản phẩm, dù được đầu tư lớn và đạt được chứng nhận, lại nhanh chóng "chết yểu" trên thị trường. Trường hợp của sản phẩm dầu lạc Phương Linh và thị lợn an toàn Xuân Hiếu là những ví dụ điển hình. Dù đã được công nhận 3 sao, nhưng do thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch kinh doanh dài hạn và khả năng thích ứng với biến động thị trường, cả hai sản phẩm đều không thể duy trì và phát triển.
Điều này cho thấy, việc đạt được chứng nhận OCOP chỉ là bước khởi đầu. Để một sản phẩm OCOP thành công, đòi hỏi các chủ thể phải có chiến lược phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và thích ứng với thị trường. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP.
Ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Xuân Hiếu cho biết: “Do thói quen tiêu dùng của bà con dẫn đến sản phẩm không thể cạnh tranh được nên công ty đã không triển khai. Bên cạnh đó, do dịch Covid 19 nên quá trình sản xuất bị gián đoạn, dẫn đến sản phẩm đã ngừng hẳn”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay một số chủ thể OCOP đã dừng sản xuất, kinh doanh sản phẩm và không có kế hoạch sản xuất lại, không mặn mà trong công tác làm hồ sơ công nhận lại dẫn đến OCOP bị “rớt sao, rụng số”. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến đứt gãy chuỗi vận chuyển, tiêu thụ khiến các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP không có tăng trưởng, hiệu quả thấp…
Sản phẩm OCOP 4 sao ống hút bằng tre của Công ty TNHH ViBabo dù đã hết hạn đăng ký sản phẩm OCOP nhưng doanh nghiệp này không muốn đăng ký gia hạn. Ảnh: Công ty TNHH ViBabo cung cấp. |
Một ví dụ điển hình là sản phẩm ống hút bằng tre của Công ty TNHH ViBabo, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2020, sản phẩm này được công nhận OCOP 4 sao. Đáng chú ý, sản phẩm ống hút tre của Công ty TNHH ViBabo đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước và xuất khẩu sang Pháp, Đức, Nhật Bản... Trung bình 1 năm, công ty cung ứng khoảng gần 3 triệu ống hút tre các loại ra thị trường. Tuy nhiên, dù sản phẩm đã hết hạn hơn 1 năm nay, nhưng phía công ty vẫn không có ý gia hạn. Lý giải về vấn đề này, đại diện phía công ty cho rằng việc công nhận lại mất thời gian, tốn tiền như công nhận một sản phẩm mới. Trong khi các sản phẩm đã có được lòng tin với khách hàng, vẫn xuất khẩu được nên không có ý định công nhận lại.
Không chỉ có ViBabo, nhiều sản phẩm đều có chung suy nghĩ tương tự. Họ đều cho rằng việc công nhận lại cũng tốn kém như công nhận mới, nhưng chính sách hỗ trợ lại không có. Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 595 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 89 sản phẩm đã hết hạn nhưng vẫn chưa được công nhận lại.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều sản phẩm trùng lặp như mật ong, nem chua… ít tính sáng tạo nên khả năng cạnh tranh không cao. Ảnh: Chủ thể OCOP cung cấp. |
Ông Phạm Văn Trường, Phó Chủ tịch xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Do quá trình đánh giá, triển khai ban đầu chưa đánh giá đúng quy mô vùng nguyên liệu dẫn đến quá trình sản xuất bị đứt gãy. Ngoài ra, một số sản phẩm khi được công nhận đã không phát triển được, nên chủ thể đã dừng sản xuất, bắt đầu chuyển hướng sản xuất sản phẩm khác”.
Số lượng sản phẩm OCOP đang lấn át… số sao
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng khẳng định: Thước đo của OCOP không phải là bao nhiêu sản phẩm, mà giá trị cuối cùng chính là dẫn dắt được sản phẩm đó đến được thị trường, được người tiêu dùng cảm nhận bằng cảm xúc thực sự chứ không đơn thuần là mua một sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm gian hàng sản phẩm OCOP tại tỉnh Thanh Hóa vào năm 2023. Ảnh: Lê Hòa. |
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên vị trí thứ 2 trong cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm OCOP vẫn là bài toán khó giải cho các cấp chính quyền cũng như các chủ thể tại địa phương này. Bên cạnh đó, việc các sản phẩm có thực sự phát triển tốt, tương xứng với tiềm năng, lợi thế hay không thì vẫn không ai dám khẳng định!
Đặc biệt, một số địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm theo kiểu gượng ép, không tính đến khả năng nguồn lực chủ thể, tính cạnh tranh, thị trường và đầu ra sản phẩm. Hầu hết những OCOP được hình thành dựa trên tiêu chí “chỉ tiêu” đều bị "chết yểu" sau một thời gian được công nhận.
Bên cạnh đó, chủ thể OCOP hiện nay chủ yếu là các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế... Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu. Ngoài ra, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa đa dạng, số sản phẩm còn trùng nhiều. Chưa khai thác tối ưu các yếu tố mang tính đặc thù và lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện sản xuất, truyền thống và tập quán canh tác.
Đơn cử như OCOP nem chua, hiện nay Thanh Hóa có khoảng 10 sản phẩm được công nhận OCOP về nem, hay như sản phẩm về mật ong rừng cũng vậy. Đến nay, đã có khoảng 15 sản phẩm được công nhận là OCOP về mật ong… Việc trùng lặp các sản phẩm trong một địa phương đã vô tình đánh mất tính cạnh tranh của sản phẩm OCOP với các sản phẩm thường.
Khó mở rộng thị trường
Hiện nay, rất nhiều nông sản Việt chất lượng cao, trong đó có các sản phẩm OCOP, nhưng vẫn chưa tạo được nhiều giá trị. Nguyên nhân là do phần lớn sản phẩm OCOP được tiêu thụ chủ yếu tại các kênh bán hàng truyền thống, một số sản phẩm bắt đầu được bán trên các sàn thương mại điện tử. Còn tại các trung tâm thương mại hay siêu thị rất hiếm gặp sản phẩm OCOP.
Lý giải về vấn đề này, một số chủ thể OCOP cho rằng, việc đưa sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại hay siêu thị phải chịu chiết khấu cao, dẫn đến giá cả sản phẩm cũng tăng lên. Trong khi người tiêu dùng có thể tự do lựa chọn những mặt hàng phù hợp với giá thành, khiến OCOP khó có thể cạnh tranh được. Mặt khác, một số sản phẩm OCOP cần phải được bảo quản nghiêm ngặt mới phát huy hết giá trị. Trong khi các trung tâm thương mại, hay siêu thị lại chưa đáp ứng được điều này.
Sự “phức tạp” khi đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị được ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ sở hữu 6 sản phẩm OCOP về đông trùng hạ thảo ở thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) lý giải rõ hơn với phóng viên Báo Công Thương. Theo ông Tuấn, để đưa mặt hàng vào siêu thị để bán rất khó, về thủ tục hồ sơ, giấy tờ cũng như khâu bảo quản sản phẩm và việc luân chuyển vốn.
Sản phẩm OCOP 4 sao ống hút bằng tre của Công ty TNHH Vibabo dù đã hết hạn từ lâu nhưng đến nay công ty vẫn không muốn đi công nhận lại. Ảnh: Công ty TNHH Vibabo cung cấp. |
“Nếu mình chấp nhận để đưa sản phẩm vào siêu thị, tôi nghĩ chỉ có lỗ, vì mình phải hạ giá thành xuống để đáp ứng giá trị sản phẩm tại siêu thị không quá cao. Trong khi mặt hàng của mình tại siêu thị chắc gì đã đủ cạnh tranh bằng các loại sản phẩm khác”, ông Tuấn chia sẻ.
Còn theo ông Hoàng Văn Mao - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thắng (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá), sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm dưa hấu đồng quê của HTX được nhiều người tin dùng hơn, số lượng tiêu thụ hàng hóa tăng cao so với trước. Tuy nhiên, do dưa hấu có quả to, nhỏ không đồng đều, sản phẩm theo mùa vụ nên cũng gặp khó trong khâu tiêu thụ.
“Trên địa bàn hiện có khoảng 30 ha sản xuất dưa hấu, song chỉ có 5 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. HTX cũng mong muốn đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống thương mại hiện đại cần chi phí lớn để vận chuyển, thủ tục, hồ sơ nhiều, thời gian quay vòng, thu hồi vốn lâu”, ông Hoàng Văn Mao cho biết.
Dù đã triển khai Chương trình OCOP được 6 năm, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn còn hoang mang, mơ hồ khi nhắc đến sản phẩm OCOP. Ảnh: Hoàng Minh. |
Đưa OCOP vào siêu thị đã khó, những sản phẩm “lách qua cửa” được thì người tiêu dùng cũng không dễ nhận diện sản phẩm OCOP giữa một “rừng” hàng hoá đủ chủng loại, xuất xứ được trưng bày trong siêu thị. Như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên trường Mầm Non tại phường Quảng Thắng TP. Thanh Hóa, khi vào các siêu thị, do số lượng hàng trên kệ rất nhiều nên chị chưa quan tâm đến các sản phẩm OCOP.
Đáng buồn hơn, dù đã triển khai được 6 năm, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn còn hoang mang, mơ hồ khi nhắc đến sản phẩm OCOP, giống như chia sẻ của chị Lê Thị Hải, chủ cửa hàng kinh doanh tại TP. Thanh Hóa. Tôi cũng nghe nói, nhưng chẳng hiểu OCOP là cái gì?.
Có thể thấy, sự thiếu hụt thông tin và cơ hội tiếp cận thị trường đang khiến cho những sản phẩm OCOP, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, dần bị lãng quên. Điều này không chỉ tổn thất về kinh tế mà còn mất mát lớn về văn hóa, bản sắc của của sản phẩm tại các vùng miền ở xứ Thanh. Để khôi phục và phát triển sản phẩm OCOP, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giá trị của những sản phẩm này. Mỗi người dân hãy là những đại sứ quảng bá cho sản phẩm OCOP, để những tinh hoa của quê hương được lan tỏa rộng rãi và ngày càng vươn xa.
Bài 3: Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP