Hà Nội tiêu hủy 14 tấn hàng hóa vi phạm Quản lý thị trường Quảng Ninh tiêu hủy hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trị giá gần 6 tỷ đồng |
Chính sách thiếu và không đồng bộ
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn việc buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý ngày càng nhiều.
Giai đoạn 2020-2022, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã phát hiện, xử lý trên 151 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.272 tỷ đồng với số lượng hàng hóa lên đến hàng chục ngàn tấn.
Hàng giả, hàng kém chất lượng được lực lượng quản lý thị trường thu giữ |
Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định đã đưa ra nhiều qui định bắt buộc phải tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng bị phát hiện, thu giữ.
Ông Ngô Đức Thanh – Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương cho biết: Việc xử lý số hàng hóa vi phạm nói trên gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là chính sách và các quy định cho việc xử lý, tiêu hủy hàng hóa vi phạm hiện chưa đồng bộ, cụ thể đối với từng nhóm hàng, loại hàng hóa.
Bên cạnh đó, việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng trong quá trình phát hiện, thu giữ của cơ quan chức năng đã và đang là vấn đề về môi trường được quan tâm.
Theo ông Thanh, hàng giả, hàng kém chất lượng rất đa dạng với nhiều chủng loại. Từ các mặt hàng nông sản, thực phẩm cho đến hàng hóa tiêu dùng bị tịch thu thuộc diện tiêu hủy chủ yếu được đưa đi tiêu hủy tại các bãi rác địa phương. Nhiều mặt hàng, do tính chất lý hóa, sau khi tiêu hủy đã gây ô nhiễm môi trường mà cho đến nay vẫn chưa tính toán được mức độ ô nhiễm.
“Có những mặt hàng còn có giá trị lớn, còn giá trị sử dụng nếu tiêu hủy có thể gây lãng phí, do đó, cần có những chính sách thí điểm tái chế và xử lý đối với các mặt hàng này. Chỉ những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không có giá trị sử dụng, gây hại cho sức khỏe con người… bắt buộc phải tiêu hủy” – ông Thanh đề xuất.
Thực tế hiện nay, hàng hóa, tang vật tịch thu theo qui định cần phải phân loại để quản lý, xử lý, tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường và có ích cho xã hội, nhưng cơ quan chức năng chủ yếu phân loại theo tính chất của hàng hóa và sử dụng phương pháp cơ học đập vỡ, cắt bỏ... sau đó đưa đi đốt hoặc chôn lấp.
“Các chính sách quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của Việt Nam còn gặp phải một số vấn đề liên quan đến tính thống nhất của các quy định pháp lý làm cơ sở cho quản lý nhà nước từ quy trình lưu giữ hàng hóa vi phạm đến khi thực hiện xử lý tiêu hủy. Các vấn đề phát sinh trong thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện, bổ sung chính sách quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường hiện hành ở nước ta phù hợp với bố cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu hiện nay và trong thời gian tới”- ông Thanh nhấn mạnh.
Nhiều Bộ, ngành cùng quản lý
Hiện nay việc bắt giữ hàng hóa vi phạm là hàng giả, hàng kém chất lượng do nhiều lực lượng chức năng thuộc các Bộ, ngành xử lý gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính... Trong đó, Tổng cục Quản lý thị trường là cơ quan thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính về quản lý và xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng sản xuất lưu thông trên thị trường.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý rất nhiều vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, xảy ra nhiều tại các tỉnh có cửa khẩu, đường biên giới giáp ranh với các nước láng giềng bên cạnh Việt Nam và các thành phố lớn do Cục Quản lý thị trường địa phương phát hiện, thu giữ.
Hàng giả, hàng kém chất lượng sau khi tịch thu, lưu giữ được các lực lượng chức năng tiêu hủy bằng hai hình thức: Tự thực hiện tiêu hủy hoặc thuê đơn vị có chức năng xử lý, tiêu hủy tùy thuộc vào chủng loại hàng hóa.
Công tác tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đang là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý |
Một số mặt hàng nguy hại đến môi trường như thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm giả…sẽ chuyển giao cho cơ quan chuyên môn xử lý. Ngoài ra, hàng hóa vi phạm còn được xử lý bằng hình thức buộc đối tượng vi phạm tự tiêu hủy có sự giám sát của cơ quan chức năng và các cơ quan chuyên môn khác.
Thông thường, tùy theo từng loại hàng hóa, hình thức xử lý đối với hàng giả hàng kém chất lượng được phân theo như rác thải không nguy hại và nguy hại.
Tuy nhiên do nhiều cơ quan quản lý, hành lang pháp lý thiếu và chưa đồng bộ dẫn đến các cơ quan quản lý gặp nhiều vướng mắc trong xử lý, tiêu hủy. Mỗi một nhóm hàng hóa lại có một cách phân loại, một phương thức tiêu hủy khác nhau và ngay tại mỗi địa phương cũng có phương thức tiêu hủy khác nhau.
Thêm vào đó, hoạt động của các cơ quan chức năng còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan đối với việc thực thi quản lý, xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp, cơ sở xử lý môi trường được cấp phép của Bộ TN&MT ở một số địa phương còn thiếu, nhiều địa phương không có cơ sở xử lý chất thải nguy hại gây khó khăn trong phương án xử lý tiêu hủy của các cơ quan chức năng; chưa có quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành về phân loại, xử lý cụ thể đối với từng nhóm hàng hóa là hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường để các cơ quan chức năng có cơ sở thống nhất thực hiện.
Đó là chưa kể đến vấn đề kinh phí/ngân sách phục vụ cho công tác quản lý, giám định, xử lý tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều vướng mắc, khó khăn và hạn chế để thực hiện trong thực tiễn.