Bắc Ninh: Tăng tỷ lệ nội địa hóa doanh nghiệp để nâng sức cạnh tranh
Tín hiệu tích cực
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho thấy, luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 23.703 doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ đăng ký 412.553,060 tỷ đồng và 6.227 đơn vị trực thuộc. Trong số đó có 2.413 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 28.219,455 triệu USD.
Sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Foxconn, Gortek, Johnson… đã giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh 8 tháng qua đạt trên 3,2 tỷ USD, đứng đầu cả nước.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh BNT |
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp FDI, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa được cải thiện nhiều, dẫn đến những khó khăn trong việc nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất, làm tăng chi phí và giảm giá trị gia tăng cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Việt Nam tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm, Bắc Ninh đã, đang nỗ lực tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ. Trong đó nổi bật là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Ninh được Bộ Công Thương, UBND tỉnh và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam ký kết thực hiện từ tháng 9/2020, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Theo chương trình hợp tác, Samsung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được ưu tiên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, bao gồm những lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, nếu đáp ứng đủ yêu cầu về nhà cung cấp của Samsung; tổ chức “Triển lãm cung ứng” nhằm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp ưu tú của tỉnh Bắc Ninh có khả năng đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của Samsung.
Sau 4 năm thực hiện, tỉnh Bắc Ninh có 39 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung với 5 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1; có 17 doanh nghiệp cung ứng cấp 2; 17 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vật tư tiêu hao. Nhiều doanh nghiệp ưu tú của Bắc Ninh được nhận “kinh nghiệm 50 năm sản xuất” của Samsung thông qua hoạt động tư vấn chuyên sâu và hệ thống.
Là một trong những đơn vị tham gia từ năm 2020, Công ty Cổ phần nhựa Zion (tại xã Đại Đồng, huyện Tiên Du) - hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa, đang cung cấp trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài - sau cải tiến đã tăng 15% hiệu suất sử dụng thiết bị, tăng 42% năng suất lao động, giảm 46% tỷ lệ lỗi công đoạn, giảm 67% thời gian thay khuôn; quản lý xuất nhập kho được thực hiện theo QR code; năng suất lao động, hiệu suất máy đều tăng, các lỗi nghiêm trọng được tập trung cải tiến, hệ thống layout nhà máy được bố trí lại hợp lý hơn.
Tương tự tại Hanpo Vina (huyện Yên Phong): Năng lực sản xuất đã tăng từ Level 1 (27 điểm) lên Level 3 (75,5 điểm); hệ thống đảm bảo sản xuất, chất lượng tăng từ Level 1 (31 điểm) lên Level 3 (75 điểm). Sau cải tiến, nhà máy được bố trí tổ chức lại hợp lý hơn; năng suất lao động, hiệu suất máy đều tăng; tỷ lệ sản phẩm lỗi giảm từ 7,6% xuống còn 3,6%; xây dựng hệ thống quản lý chi phí do sản phẩm lỗi từ đó làm giảm tỷ lệ chi phí này 9,9% xuống 6.0%; nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào; các lỗi nghiêm trọng được tập trung cải tiến....
Đại diện Hanpo Vina chia sẻ, việc cải tiến hệ thống quản lý sản xuất đã mang lại bộ mặt mới cho nhà máy, từ việc bố trí máy móc sản xuất, việc sắp xếp kho, hiện trường nhà máy theo hướng hiệu quả hơn, dễ quản lý hơn. Quản lý chất lượng của nhà máy được quan tâm xây dựng thành hệ thống, phù hợp với việc giám sát, đạt hiệu quả, giảm được chi phí do hàng lỗi. Ý thức về việc đảm bảo chất lượng và sản xuất hiệu quả được triển khai tới tất cả nhân lực trong nhà máy. Trong sản xuất đã hình thành các nhóm cải tiến để tiếp tục nâng cao, cải tiến về sản xuất, chất lượng.
Không chỉ Nhựa Zion hay Hanpo Vina, các doanh nghiệp đều đánh giá cao hiệu quả của chương trình; đồng thời cho biết tiếp tục duy trì và tiếp tục tiến hành cải tiến sau khi tổng kết chương trình. Một số đề tài cải tiến chưa hoàn thành sẽ tiếp tục tiến hành và nhờ đánh giá của chuyên gia sau khi hoàn thiện.
Nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa
Số liệu của Sở Công Thương Bắc Ninh cho thấy, sau chương trình cải tiến, năng suất lao động tại các doanh nghiệp tăng 22%, lỗi chất lượng giảm 55,2%, tồn kho sản xuất giảm 36,4%. Qua chương trình cải tiến, Samsung cũng mở rộng khả năng có thêm nhà cung cấp tiềm năng, đáp ứng được tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải khẳng định, chương trình hợp tác đã, đang mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp Bắc Ninh, doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Kim Tae Hoon - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam - cho biết: Samsung luôn kiên định với mục tiêu cùng phát triển với doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí lưu thông hàng hóa ngày càng tăng cao, Samsung càng coi trọng tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trong năm 2024, Samsung Việt Nam tiếp tục tư vấn phát triển Nhà máy thông minh cho 5 doanh nghiệp tại Bắc Ninh và kỳ vọng có thể xây dựng nhà máy tiên tiến quản lý toàn diện quá trình sản xuất bằng phần mềm.
Tuy nhiên trong bối cảnh nền tảng của doanh nghiệp Việt phần lớn còn yếu và thiếu, với quy mô sản xuất tương đối nhỏ, một số doanh nghiệp sản xuất theo các đơn hàng nhỏ lẻ, phần lớn doanh nghiệp chưa có hệ thống quản lý sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và đạt tiêu chuẩn của Samsung; thời gian cho chương trình tư vấn tại doanh nghiệp tương đối ngắn (khoảng 3 tháng), nên nhiều nội dung chưa đạt kết quả như mong muốn.
Vì vậy, Sở Công Thương Bắc Ninh đề xuất, cần mở rộng đối tượng doanh nghiệp sản xuất cho các chương trình cải tiến. Do tính hiệu quả và nội dung của chương trình cải tiến không chỉ phù hợp với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ mà còn cần thiết, hiệu quả cả với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nói chung.
Bên cạnh đó, xem xét, lồng ghép nội dung của các chương trình hỗ trợ khác để chương trình tư vấn có thêm kinh phí, nguồn lực cho doanh nghiệp thực hiện. Nội dung cải tiến cũng đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư cho trang thiết bị, bố trí lại sản xuất tại nhà máy của mình.