Bắc Ninh: Tăng trưởng công nghiệp thúc đẩy kinh tế toàn ngành
Linh hoạt sản xuất
Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 bùng phát nhanh, lây lan rộng đã khiến một tỉnh mật độ dân số cao và lượng công nhân ngoại tỉnh tập trung đông, lưu trú nhiều, di chuyển phức tạp như Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, đồng thuận của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, dịch bệnh đã nhanh chóng được kiểm soát, kiềm chế, để từng bước đẩy lùi. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp đảm bảo, đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Vượt qua đại dịch, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh vẫn tăng trưởng |
Báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Bắc Ninh cho thấy, GRDP ước đạt 133.033, 8 tỷ đồng, tăng 6,45% so với năm trước, vượt kế hoạch đề ra từ 4-5%; trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 100.936,9 tỷ đồng, tăng 7,41%.
Theo ông Ngô Tân Phượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, thực hiện kế hoạch triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bước đầu đạt nhiều tín hiệu tích cực. Sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp có sự phục hồi và phát triển mạnh trong 4 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên từ đầu tháng 5, sự xuất hiện và bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp. “Song với quyết tâm không để gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy nền kinh tế, Bắc Ninh đã triển khai giải pháp “chưa từng có tiền lệ” để bảo vệ sản xuất, hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu triển khai cho người lao động ăn, ở và làm việc tại nhà máy, để vừa tư duy sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy cũng như cộng đồng”, ông Ngô Tân Phượng chia sẻ.
Quả nhiên, chưa khi nào sản xuất của doanh nghiệp trên đia bàn lại đặt trong tình thế linh hoạt như năm 2021. Mọi phương án sản xuất, lưu trú, dịch chuyển của công nhân được điều hành phù hợp với từng thời điểm và khu vực để bảo đảm an toàn. Với quyết tâm bảo vệ các khu công nghiệp (KCN) - “thành trì” sản xuất quan trọng của tỉnh, Bắc Ninh đã thực hiện những giải pháp “chưa từng có tiền lệ” như: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, doanh nghiệp thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài, nhưng bảo đảm “biệt lập”, có xe đưa, đón; ứng dụng công nghệ truy vết thần tốc, quyết liệt truy vết khi doanh nghiệp có F0…
Được biết, ngay cả tại thời điểm Bắc Ninh thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh cũng đã đề xuất với Chính phủ nhập khẩu chuyên gia để đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất, đứt gãy sản xuất, tạo niềm tin, cơ hội cho doanh nghiệp.
Với việc chủ động phòng chống dịch bệnh, điều hành phát triển kinh tế, duy trì sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh năm 2021 vẫn tăng 8,51% so với cùng kỳ; GRDP khu vực công nghiệp tăng 8,17%; công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò động lực trong công nghiệp. Một số sản phẩm tăng mạnh so cùng kỳ như linh kiện điện tử (39,6%), điện thoại di động (38,4%)...
Thích ứng, an toàn
Ngay khi Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, toàn tỉnh Bắc Ninh tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin cho cộng đồng, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp “vững tâm cùng tỉnh vượt khó”, chủ động khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu để đẩy mạnh phát triển công nghiệp...
Với tâm thế chủ động, thích ứng, hoạt động sản xuất thương mại của Bắc Ninh dần khôi phục tốt. Kết thúc năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các đơn vị hạch toán độc lập ước đạt 45.249 triệu USD, vượt 24% so kế hoạch, tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 19,3% so cùng kỳ.
Điều đáng nói, nhờ kiểm soát, khống chế dịch hiệu quả, các KCN vẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, các dự án đang hoạt động tiếp tục đăng ký tăng vốn đầu tư. Năm 2021, Bắc Ninh vẫn duy trì là điểm đến hấp dẫn với việc thu hút đầu tư trong nước gấp 2,6 lần; thu hút đầu tư nước ngoài gấp 2,7 lần quy mô về vốn so năm 2020 (đứng thứ 8 cả nước về quy mô vốn thu hút đầu tư). Trong đó, thu hút đầu tư vào các KCN là điểm sáng nổi bật, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh dự án thứ cấp hơn 1,7 tỷ USD trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN đạt 1 triệu 245 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt 38 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước 12 nghìn 500 tỷ đồng.
Với kết quả này, Bắc Ninh tiếp tục duy trì trong Top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác xúc tiến thu hút đầu tư năm qua chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được thêm dự án đầu tư của tập đoàn kinh tế có thương hiệu toàn cầu, với quy mô lớn để làm động lực tăng trưởng mới cho tỉnh trong giai đoạn phát triển mới…
Vì vậy, giải pháp thực hiện trong năm tới Bắc Ninh đưa ra: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, tập trung thu hút tập đoàn lớn đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, khu đô thị lớn, nhằm hình thành những khu du lịch sinh thái lớn, đô thị thông minh, phát triển bền vững; tổ chức hoạt động xúc tiền đầu tư sớm lấp đầy các KCN…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tăng công suất sản xuất; kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường…
Mục tiêu tỉnh Bắc Ninh đặt ra trong năm 2022: GRDP tăng 6-7% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 40.100 triệu USD; đồng thời kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế; phát triển toàn diện các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng bền vững… |