Bắc Kạn: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP
Chiều 20/5, tại Nhà văn hoá tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Chương trình Diễn đàn Chuyển đổi số trong Truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với nội dung “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Bắc Kạn tổ chức.
Kinh tế số "trợ lực" cho nông sản địa phương
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, /chu-de/tinh-bac-kan.topic đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đến nay, Bắc Kạn đã có 182 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao. Đã có 110 chủ thể tham gia Chương trình có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm 73 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 22 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp.
Livestream bán hàng là một hình thức tiếp cận khách hàng mới, nhằm đưa sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng |
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền của tỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND /chu-de/tinh-bac-kan.topic - nhận định, để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn tới, thì cần thiết phải có nhiều giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý vận hành chương trình, nhất là khâu quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng.
Với nội dung “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP”, tại diễn đàn, các chuyên gia, hợp tác xã và cơ quan quản lý đã tập trung thảo luận về 3 vấn đề gồm: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh tế số từ góc nhìn của Thương mại điện tử và quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số. Đây là 3 vấn đề rất quan trọng, là những giải pháp rất cụ thể để thực hiện những mục tiêu đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Toàn cảnh diễn đàn |
Tại diễn đàn, đại diện các HTX đặt vấn đề, khi kinh doanh trên nền tảng số như TikTok thì làm sao để quản lý được chất lượng sản phẩm trên đó? “Quan điểm của Văn phòng Điều phối nông thôn mới về việc kiểm duyệt các sản phẩm OCOP khi lên sàn để đảm bảo sự công bằng, chính xác?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cùng TikTok đã ký kết hợp tác nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong việc số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc chương trình OCOP.
Cùng với đó năm 2022, TikTok tổ chức thành công hơn 10 khóa đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng miền. Đặc biệt, hashtag #OCOP và #DacSanVietNam đã thu hút lần lượt 305 triệu và 350 triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.
Kết quả tích cực trong năm 2022 đã củng cố thêm triển vọng phát triển của OCOP trên nền tảng số, đồng thời tạo động lực cho những sáng kiến khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Đây là kết quả từ những hỗ trợ chuyên sâu của TikTok khi tạo nên bệ phóng vững chắc giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức và làm mới tư duy kinh doanh.
Mới đây Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tiktok Việt Nam và các địa phương tạo ra một chuỗi các chương trình “Chợ phiên OCOP”. Vào thứ 7 hàng ngày, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương để có một chương trình livestream kéo dài 6 giờ mỗi ngày, giới thiệu về văn hóa, đặc sản địa phương và bán trực tiếp trên Tiktok. Qua đó, chúng tôi muốn tạo thói quen vào thứ 7 hàng tuần, mọi người sẽ lên xem livestream, từ đó mua sắm đặc sản của các địa phương.
Ông Phương Đình Anh - Phó chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương - cho rằng, nếu như các nền tảng truyền thống, quảng cáo của thương hiệu chỉ gói gọn trong các hoạt động tương tác cơ bản với người dùng như thích, bình luận, chia sẻ, thì trên TikTok, người dùng có thể trực tiếp tham gia vào các chiến dịch quảng cáo thông qua việc quay các video hưởng ứng hashtag của nhãn hàng mà vẫn giữ được cá tính riêng. Điểm nổi bật này, khiến TikTok trở thành nền tảng sáng tạo giúp thương hiệu dễ dàng gắn kết với người dùng.
Và khi tham gia TikTok các chủ thể mới có cơ hội mô tả, giới thiệu về sản phẩm OCOP. Và bán sản phẩm OCOP chính là bán câu chuyện về truyền thống, văn hoá. Các sản phẩm OCOP không có sao nào cao hơn sao trong lòng người dân. Hãy để người dân tự tìm hiểu và đánh giá sản phẩm.
Đồng hành, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ xúc tiến thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản cho địa phương, ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND /chu-de/tinh-bac-kan.topic cho biết, thời gian qua, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho những sản phẩm có tiềm năng; hướng dẫn lập hồ sơ công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm.
Mới đây, Sở Công Thương đã họp xét và lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan (chế biến tinh bột và sản xuất miến dong), Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (sản xuất chế biến nông sản) tham gia sàn thương mại điện tử thế giới như alibaba.
Đồng thời, 2 hợp tác xã được này sẽ lựa chọn 50 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn (ưu tiên đối với sản phẩm OCOP của tỉnh) đáp ứng các tiêu chí tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước như sendo, shopee,...
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho những sản phẩm có tiềm năng; hướng dẫn lập hồ sơ công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm.
Ông Ngô Văn Cương - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn - nhận định, chuyển đổi số có tác động tích cực đến phát triển sản phẩm OCOP, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và thu nhập, từ đó tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
“Trung ương Đoàn xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý”, ông Ngô Văn Cương nhấn mạnh.
Có thể nói, chương trình OCOP đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn. Khai thác những tiềm năng sẵn có tại địa phương, quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số,... là cách giúp thanh niên, nông dân Bắc Kạn tiếp tục chuyển mình trên hành trình chuyển đổi số…