Bà Rịa – Vũng Tàu học hỏi kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi
Cùng tham dự Hội thảo có đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam (Cố vấn ngành về điện gió ngoài khơi) cùng đơn vị khảo sát, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển điện gió.
Quang cảnh Hội thảo Chia sẻ kiến thức về phát triển điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - (Ảnh: Nguyễn Ngọc). |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp xu thế quốc tế trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp… bảo đảm thực hiện cam kết Net Zero.
Phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi được xem là giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi và thuận lợi trong việc hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ.
Tại Hội thảo, Đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch đánh giá, Việt Nam có nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á. Với tốc độ gió cao, ổn định và vùng nước nông là điều kiện lý tưởng. Hệ số tận dụng công suất cao cho phép điện gió ngoài khơi đóng vai trò là nguồn năng lượng phụ tải nền.
Ông Erik Kjaer, Cố vấn trưởng, Cục Năng lượng Đan Mạch chia sẻ tại Hội thảo - (Ảnh: Nguyễn Ngọc). |
Đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết, năm 2022, điện từ gió và mặt trời ở Đan Mạch tương ứng với 72,5% nguồn cung trong nước (trong đó 53,6% gió, 18,9% năng lượng mặt trời).
Để làm được điều đó, Đan Mạch đã làm tốt các công tác như: Dự báo cung cầu; liên kết lưới điện với các nước láng giềng; thị trường điện hiệu quả trên toàn liên minh châu Âu; quản lý phụ tải; nhà máy điện linh hoạt.
Ngoài ra, đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch cũng trình bày những kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của nước này, liên quan đến công nghệ tuabin gió; mô hình đấu thầu điện gió ngoài khơi; chi phí của điện gió ngoài khơi, tạo việc làm, phát triển cảng và cách thức kết nối (cáp quốc tế)...
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý đánh giá là có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, hiện còn có một số khó khăn, thách thức nhất định, cụ thể về công nghệ phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không có quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi toàn quốc; các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng; chưa có quy định về diện tích khu vực đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, công suất điện gió tối đa,…
Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu - (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
"Nhân diện được những khó khăn đặt ra và nhằm đánh thức những tiềm năng, lợi thế này của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi”, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra tọa đàm phát triển trung tâm chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi và lực lượng lao động có tay nghề của Việt Nam, với các khách mời tham dự là lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực này trong và ngoài nước.
Cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp song phương về phát triển điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.