ASEAN và vai trò ổn định Đông Nam Á trước xung đột Mỹ - Trung
Đặc biệt là nếu, và khi hai cường quốc như Trung Quốc và Mỹ đối đầu nhau, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia khác. Ví dụ rõ ràng nhất là cuộc chiến thương mại sẽ có tác động không chỉ đối với Mỹ và Trung Quốc mà còn đối với các quốc gia khác vì chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường và hệ thống tài chính toàn cầu, mọi thứ đều phụ thuộc và liên kết với nhau.
Một số nhà quan sát cho rằng, các thành viên ASEAN có thể sẽ tạm thời được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cũng đã có nhiều báo cáo về các khoản đầu tư vào ASEAN và các công ty bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc vào Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Nhưng về lâu dài, có thể có những tác động tiêu cực. Nếu các nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại về tình trạng dư cung và giá cả tăng vì thuế quan, thì hai nước này, cả hai đều là thị trường xuất khẩu chính của Đông Nam Á, có thể nhập khẩu ít hơn từ các thành viên ASEAN. Cuộc chiến thương mại cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, ảnh hưởng đến tiền tệ và những thị trường khác.
Trong bối cảnh tăng cường cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, không chỉ trong kinh tế và thương mại, mà cả trong lĩnh vực công nghệ và chiến lược, mối lo ngại đang gia tăng về việc liệu ASEAN có thể phải chọn một phía Trung Quốc và Mỹ hay không. Có hai cách để xem xét điều này, đó là vị thế của ASEAN với tư cách một khối nước hay các quốc gia của khối có lựa chọn riêng. Từ quan điểm của từng nước thành viên ASEAN, phụ thuộc vào chính sách đối ngoại và mối quan hệ với hai cường quốc Mỹ - Trung. Ví dụ, Thái Lan và Philippines có các hiệp ước song phương chiến lược với Mỹ, dẫn đến một số nghĩa vụ nhất định. Nhưng nếu là toàn bộ ASEAN, với tư cách là một nhóm nước và cộng đồng, 10 thành viên cần có mối quan hệ tốt với tất cả các cường quốc. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác chiến lược của ASEAN. Do đó, ASEAN không nên và sẽ không đứng về phía nào.
Năm 1971, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập tại Kuala Lumpur, mà vào thời điểm đó, có sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Liên Xô. Sau đó, khối ASEAN đã duy trì vị trí trung lập - có nghĩa là không muốn đứng về phía nào. Tình hình của giai đoạn hiện nay đã khác biệt, nhưng điều đó không có nghĩa là ASEAN không thể có vị trí trung lập. Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc đều công nhận ASEAN là một khối yêu chuộng hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và tôn trọng lẫn nhau. Đáng chú ý là quan điểm ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 được tổ chức vào ngày 23/6 vừa qua. Tài liệu này rất có ý nghĩa vì đưa ra quan điểm của ASEAN về khái niệm địa chiến lược của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Khác với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, chủ yếu tập trung vào quốc phòng và an ninh và thường được coi là nhắm vào Trung Quốc, quan điểm ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương không cung cấp bất kỳ chiến lược nào trong bối cảnh an ninh quốc phòng hoặc chính trị, mà nhấn mạnh một số điều ASEAN sẽ theo đuổi, bao gồm kết nối, phát triển bền vững, hợp tác hàng hải, v.v.
Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được chú ý trong thời gian qua vì đây là một khu vực năng động và rất quan trọng. Từ lâu, người ta đã lập luận rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ châu Á. Trước đó, đã nói về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và gần đây có nhiều sự nhấn mạnh hơn đối với Ấn Độ Dương vì nhiều lý do liên quan đến những điều đã xảy ra, như cướp biển, nhu cầu an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, v.v.
Các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều đưa ra tầm nhìn hoặc sáng kiến của họ cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vậy vai trò của ASEAN là gì? Nếu nhìn vào kiến trúc khu vực, ASEAN có thể tập hợp các quốc gia lại với nhau như thông qua Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bao gồm 18 quốc gia: 10 thành viên ASEAN cộng với hầu hết tất cả các cường quốc. Điều quan trọng là ASEAN duy trì sự ổn định. Hòa bình ở khu vực Đông Nam Á sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển – từ đó có thể giúp ổn định khu vực.