Doanh nghiệp xã hội vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm
Trên tinh thần cam kết của APEC về tính bền vững và bao trùm, các nhà lãnh đạo APEC đã khẳng định trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC năm 2021 rằng “Chúng ta cần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh và sự tham gia bình đẳng vào nền kinh tế cho tất cả người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau” và đảm bảo “mức hỗ trợ chưa từng có cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19”.
Cam kết về sự phát triển bền vững và bao trùm cũng đã được phản ánh trong các diễn đàn và các nhóm công tác APEC thông qua ưu tiên tập trung vào phát triển hệ sinh thái kinh doanh hỗ trợ tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Là một phần của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xã hội có vai trò quan trọng góp phần quan trọng góp phần thực hiện các cam kết của APEC trong việc theo đuổi sự thịnh vượng chung nhờ vào sự năng động và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới đã quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp xã hội nhờ những đóng góp đáng kể và tích cực của họ trong giải quyết các vấn đề xã hội, tạo cơ hội việc làm và xóa đói giảm nghèo thông qua chiến lược kinh doanh sáng tạo và bền vững.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về kinh doanh bao trùm năm 2018, các doanh nghiệp xã hội ngày càng có vai trò và đóng góp to lớn trong thực tế. Ước tính, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bao trùm chiếm khoảng 10 tỷ USD trong năm 2016. Đầu tư vào mô hình này chiếm 81% tổng đầu tư kinh doanh bao trùm, tiếp theo là các hoạt động kinh doanh bao trùm chiếm 17% và hoạt động doanh nghiệp xã hội 2%.
Ngoài ra, theo Ủy ban châu Âu, lĩnh vực doanh nghiệp xã hội hiện sử dụng khoảng 40 triệu lao động và thu hút hơn 200 triệu tình nguyện viên trên toàn cầu. Con số này vẫn tiếp tục đang phát triển.
Phát biểu tại “Hội thảo APEC về thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm”, ông Markus Dietrich - Giám đốc chính sách tại Mạng lưới hành động kinh doanh bao trùm cho biết, kinh tế bao trùm có 4 đặc điểm chính: chủ động tham gia và là nền tảng của kim tự tháp kinh tế, theo đuổi các mục tiêu tài chính, mở rộng mô hình kinh doanh và đo lường, quản lý tác động của mô hình kinh doanh ấy.
Bà Mai Thị Thủy - Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhận xét, với sự xuất hiện và kéo dài của dịch Covid-19 thách thức nền kinh tế toàn cầu, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu do tiếp cận không công bằng với các cơ hội kinh doanh và phúc lợi xã hội.
“Trên tinh thần đó, doanh nghiệp xã hội có thể góp phần thu hẹp khoảng cách, khai thác cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương qua phương pháp kinh doanh bền vững, thay vì dựa trên các hoạt động từ thiện truyền thống” - bà Mai Thị Thủy nhấn mạnh.
Bà Mai Thị Thủy - Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp xã hội trong thúc đẩy nền kinh tế bao trùm |
Nhiều thách thức phải đối mặt
Tuy nhiên, cũng theo các nghiên cứu này, chỉ có khoảng 1.900 doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm đang hoạt động tại các nền kinh tế APEC, 61% trong số đó được coi là hoạt động bao trùm với phần lớn các doanh nghiệp thực hiện như một chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, 15% là các mô hình kinh doanh bao trùm chủ yếu được thực hiện bởi các công ty vừa và lớn trong nước, và 24% là các sáng kiến doanh nghiệp xã hội. Tính theo khu vực, mô hình kinh doanh bao trùm đặc biệt phát triển ở châu Á (26%), tiếp theo là châu Mỹ Latinh (20%) và các nền kinh tế phát triển APEC (8%).
Trên thực tế, các doanh nghiệp xã hội phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến các lĩnh vực khác nhau như luật pháp, xã hội, kinh tế và vấn đề quản trị… vì doanh nghiệp xã hội hướng tới mục tiêu đạt được sứ mệnh và lợi ích xã hội lớn hơn cho cộng đồng trong khi vẫn dựa trên mô hình kinh doanh vì lợi nhuận và cạnh tranh, do vậy, thách thức của họ cũng nhiều hơn các doanh nghiệp truyền thống vốn chỉ tập trung vào vấn đề lợi nhuận.
Nhìn chung, ngoài các chính sách ưu đãi chung dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu có, các doanh nghiệp xã hội không có các ưu đãi riêng cụ thể từ Chính phủ. Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội cũng gặp phải những khó khăn như thiếu hỗ trợ về kinh phí, khả năng mở rộng quy mô, thiếu chiến lược kinh doanh phù hợp…
Nhằm giải quyết các thách thức đặt ra, ông Markus Dietrich cho rằng, APEC nên khuyến khích các nền kinh tế thành viên xây dựng một môi trường thuận lợi hơn đối với kinh tế bao trùm, ví dụ như có thể phát triển hệ thống công nhận đối với lĩnh vực này. Các tổ chức doanh nghiệp và tổ chức quốc nội cần phải nắm vai trò thúc đẩy, tuyên truyền các thực tiễn tốt nhất của nền kinh tế bao trùm, đồng thời phổ biến các mô hình thành công giữa các nước thành viên.
Ông cũng nhận định, khu vực APEC cần tận dụng cơ chế của mình để thành lập hệ sinh thái hỗ trợ cho kinh tế bao trùm, ví dụ như thành lập các cơ quan phát triển, ngân hàng phát triển đa phương, tổ chức tài chính, tổ chức phi lợi nhuận hay các tổ chức nghiên cứu.
Bên cạnh đó, các đối tác phát triển có thể hỗ trợ APEC trong việc cung cấp kinh phí cho chương trình hỗ trợ đối với nền kinh tế bao trùm. Các đối tác có thể tài trợ cho các kế hoạch chiến lược thúc đẩy mô hình này, các giải thưởng, hội thảo, hội nghị,…