7 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp Đắk Nông tăng 5,46%
Theo Sở Công Thương /chu-de/tinh-dak-nong.topic, 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng tăng 5,02%; chế biến, chế tạo tăng 6,19%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,88%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,71%.
Trong tháng 7, tình hình sản xuất một số sản phẩm công nghiệp tương đối ổn định và tăng so với tháng trước. Trong đó, ván ép và các vật liệu tương tự đạt 3.887 m3, tăng 3,2%; mủ cao su 1.614 tấn, tăng 8,5%; bồn inox, bồn nhựa 3.914 sản phẩm, tăng 1,3%; điện sản xuất 227 triệu kWh, tăng 26,8%; nước máy 382.000 m3, tăng 1,4%; sản phẩm alumin 57.000 tấn, tăng 3,9%...
Sản xuất alumin là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Đắk Nông |
Theo đánh giá của Sở Công Thương Đắk Nông, trong tháng 7, thời tiết trên địa bàn thuận lợi cho các nhà máy thủy điện phát huy công suất. Nguồn nguyên liệu cũng bảo đảm cho hoạt động sản xuất của Nhà máy alumin Nhân Cơ.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm để tạo năng lực sản xuất mới. Vì vậy, tình hình sản xuất công nghiệp cơ bản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 04 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 149,61 ha. Trong đó có 02 cụm công nghiệp cơ bản hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: cụm công nghiệp Thuận An có 17 dự án đầu tư, với diện tích đất thuê lại là 16,68 ha; số vốn đăng ký đầu tư 319,42 tỷ đồng và giải quyết được việc làm cho khoảng 200 lao động và tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I đạt 96,06%.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm, đầu ra sản phẩm của nhiều ngành hàng không thuận lợi, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Số lượng đơn hàng giảm, khiến hàng tồn kho của ngành chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp giảm hoặc không sản xuất do không có đơn đặt hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Trong đó, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: đậu phụng, đậu nành sấy giảm 34,9%; cồn tinh luyện giảm 46,8%; khí CO2 giảm 19,4%...
Do đó, trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương Đắk Nông, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và yêu cầu thực tiễn để tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư: Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Nhà máy điện phân nhôm, các dự án năng lượng tái tạo, các dự án phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Chú trọng theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển công nghiệp bô xít – alumin – nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Ngoài ra, phối hợp với các Sở ngành, địa phương liên quan báo cáo, tham mưu UBND tỉnh việc đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Rà soát tình hình hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp. Tổ chức điều tra, khảo sát tình hình, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp để tham mưu UBND tỉnh có chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị.