5 kết qủa sau hơn 2 năm triển khai Luật Quy hoạch
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch diễn ra vào sáng ngày 19/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vào năm 2017 với nhiều điểm mới, tạo ra những thay đổi toàn diện và sâu sắc về thể chế, tư duy, phương pháp và nội dung về lập, thực hiện và theo dõi, giám sát hoạt động quy hoạch, đã có tác động đến nhiều bộ luật có liên quan. Theo đó, để đảm bảo tính đồng bộ, đã có 73 luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung, đồng thời Quốc hội đã thông qua 2 luật và 1 pháp lệnh để sửa đổi, bổ sung một số điều của 52 luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch và có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ trong việc lập lại tất cả những quy hoạch không còn phù hợp theo cách tiếp cận mới là tích hợp đa ngành.
Việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt được những kết quả quan trọng sau hơn 2 năm triển khai |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sau hơn 2 năm thi hành, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Luật Quy hoạch và đạt được 5 kết quả chính. Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai công tác quy hoạch thời kỳ mới;
Thứ 2, việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, dự kiến trong năm 2021 sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia; 1/6 quy hoạch vùng; 36/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập và trình thẩm định; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022;
Thứ 3, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng: Chính quyền là một tổng thể thống nhất, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên quan, liên cấp. Các bộ, ngành, địa phương đã bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể: Thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thông thoáng.
Thứ tư, chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện thông qua quy trình lập quy hoạch dựa trên cách tiếp cận tích hợp đa ngành và áp dụng các công nghệ tiên tiến, khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ.
Thứ năm, công tác giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch ngày càng được chú trọng, trong đó có hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được triển khai xây dựng sẽ đảm bảo công khai, minh bạch thông tin, dữ liệu về quy hoạch cho mọi người dân, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, xúc tiến và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai Luật Quy hoạch vẫn gặp một số khó khăn do, việc chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch, vẫn có sự chưa thống nhất với quy định của pháp luật về quy hoạch, gây khó khăn cho bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai quy định mới của Luật Quy hoạch, nhất là phương pháp lập quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành. Một thách thức nữa là tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tuy đã được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhưng còn chậm so với yêu cầu thực tiễn.
“Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ hạn chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch. Thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch chưa được xây dựng đồng bộ để phục vụ cho việc lập quy hoạch thời kỳ mới. Cuối cùng, tác động đại dịch Covid-19 tới công tác khảo sát thực trạng, thu thập số liệu, tham vấn ý kiến về quy hoạch, gây khó khăn cho việc huy động các chuyên gia, đặc biệt với các tổ chức tư vấn quốc tế” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch là cơ hội để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch, thời gian tới chúng ta cần tập trung vào các giải pháp, như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; tập trung nghiên cứu, xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Thực hiện Luật Quy hoạch là dịp để tích hợp cùng một mục tiêu, cùng một không gian, cùng một nguồn lực, chúng ta sẽ có bước phát triển nhanh nhất. Chúng ta thường nói, nếu muốn đi nhanh thì phải chọn được con đường đúng và đây là cơ hội xác lập lại con đường đúng để đi nhanh và bền vững. Điều này cũng chính là ý nghĩa của Luật Quy hoạch và công tác quy hoạch thời kỳ mới. |