Khoảng nửa thế kỷ qua, hầu như chắc chắn người Việt Nam chưa nhìn thấy con hổ nào an hưởng cảnh “những đêm vàng bên bờ suối”, “ta mơ màng đứng uống ánh trăng tan” như tác giả Thế Lữ viết trong bài thơ “Nhớ Rừng”. Dẫu vậy, việc đem xác hổ về nấu cao thì vẫn tồn tại.Ít ra các vụ bắt giữ của cơ quan chức năng đã cho thấy điều đó. Theo thống kê được công bố bởi Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV): Năm 2023, có tới hơn 734 vụ vi phạm liên quan đến hổ bị phát hiện và xử lý. Số nồi cao “không may” bị lộ và chịu hình phạt nghiêm khắc của luật pháp là 48. Tất nhiên, các con số chỉ là phần nổi mỏng manh của “tảng băng chìm”.
Tình cờ, xem một kênh youtube khám phá “di sản” nhà cổ ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, rồi nghe đồn ông chủ là trùm nấu cao hổ khét tiếng, nhóm phóng viên chúng tôi vào vai người giàu đi mua cao hổ, đi tìm hiểu nhằm mua gỗ và thuê thợ về dựng nhà từ đường. Từ câu chuyện của D.V.B (tên ông chủ ngôi nhà cổ nổi tiếng), rồi tiết lộ của những người trực tiếp nấu cao hổ với B, dần dà một thế giới “bí ẩn”, ma lanh, thật giả lẫn lộn hiện ra: Họ tụ tập nhau, thì thầm, dùng mọi chiêu thức lươn lẹo, đưa ra những kỹ nghệ “độc lạ” để dụ dỗ thuyết phục người giàu mở hầu bao.
Ông D.V.B mở đầu câu chuyện bằng việc tới tấp "chém gió" về những mối quan hệ khủng với cán bộ tỉnh, với lực lượng hành pháp, tư pháp địa phương. Nhờ “quan hệ rộng”, nên ông ta mua hổ về nấu cao, buôn thêm sừng tê giác với các lô hàng tiền tỷ mà cứ ngon ơ. Các bức ảnh hổ và nấu cao hổ được “người trong cuộc” trưng ra, có mặt B đang bên nồi cao, chính tại ngôi nhà này. “Tin chưa?”, vài người hỏi, chúng tôi (vào vai người giàu), tỏ ra rất tin tưởng. B cười đắc chí, mở thêm ảnh nanh hổ, hổ nhồi tiêu bản “nguyên con” trong điện thoại ra khoe. “Toàn hàng xịn của anh đấy”...
B khoe, sừng tê giác nặng 15-17kg/chiếc, bán khoảng 40 triệu đồng một lạng ông ta cũng có. Rồi B khoe mình hiếu học và có tinh thần tiến thủ: Từ năm 1992, ông đã mua một cuốn từ điển tiếng Trung Quốc để tự học. Rồi đi theo đường bộ, nhập cảnh từ cửa khẩu phía Lào Cai nước ta, đi sâu vào vùng Côn Minh, đi mãi tỉnh Tứ Xuyên hơn 80 triệu dân, sang tận Tây Tạng “nóc nhà thế giới” để buôn đủ thứ. Buôn cả đông trùng hạ thảo, tùy loại to hoặc bé, đẹp hoặc xấu, có giá lên tới 1,8 đến 2,8 tỷ đồng/kg.
Chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, B mở điện thoại cho xem hàng rất cụ thể. “Nấu lẩu mà có vài con đông trùng hạ thảo này ném vào, cùng với kỷ tử, đương quy, táo đỏ nữa thì trứ danh! Còn cao hổ, những người bị đau xương, thoái hóa khớp, chân đi kéo lê kéo càng, ăn cao hổ của anh vào là khỏi hết. Chỉ một đêm, sáng ra thấy khỏe và “bừng bừng sức sống”. “Đó mới là “hổ rừng”. Hổ xịn. Lão hàng xóm nhà anh, ốm o xanh xao gầy còm, anh “điều” cho ít cao hổ, giờ khỏe phăm phăm”.
B phân tích: Cao hổ chỗ B bán giá cao, vì nấu theo đúng quy cách và giữ “đạo nghề”. Một bộ xương hổ đầy đủ các bộ phận (đủ ngón “tay”, ngón “chân”, đuôi, từng đốt xương…) khi phơi khô chỉ còn 17-18 kg hoặc to lớn lắm mới là 20 kg. Nấu lẫn với xương sơn dương, mai rùa, gạc nai và các chất dẫn nhập cân bằng âm dương (theo quan niệm của dân gian) thì lúc uống xong rượu tráng nồi; còn thu được số lượng cao rất ít. Trung bình 1kg xương hổ khô chỉ được 1-2 lạng cao. Mà tìm xương hổ “xịn” bây giờ không dễ.
“Đối tác bên Lào gọi điện có hàng “rừng” là tôi lại sang gom (thật ra thì B “chém gió” như vậy, bởi hàng hổ hoang dã hầu như không có, tất cả chỉ là hổ nuôi trang trại, có khi nuôi nhốt dấm dúi dưới hầm tối trong các nông hộ). “Xương hổ khô, xịn, thì có màu trắng như xương mèo. Nhưng bên trong xương có màu tim tím. Đập búa vào để phá xương ra trước khi nấu cao sùng sục 7 ngày đêm, thì có khi búa nện tóe cả lửa! (ý nói rất cứng). Có năm anh nấu tới 4 nồi cao hổ, mỗi nồi một Chúa sơn lâm bị giết. Một phần bán cho người quen tin tưởng mình sẵn. Phần đi làm quà “ngoại giao”. Phần nữa là gom lại để bán sang Trung Quốc. Đi đường bộ, cứ bỏ cao trong túi nilon mà đi thôi, cũng không khó lắm, dĩ nhiên là phải có “cửa”"...
Cả sê-ri câu chuyện hư cấu, không đúng sự thật được B bịa đặt, "thêm mắm, thêm muối": "Ông T trước khi đi nước ngoài còn mua và dùng cao hổ xịn của tôi để… “làm chuyện ấy” cho tốt, ông mua hai lạng cao của tôi, tôi bán 100 triệu đồng vẫn cám ơn. Có bà ốm đau quặt quẹo, tuổi đã cao, mà nhắn tin cho tôi là chị dùng cao xong “ào ạt” chú ạ". B bảo, tôi mở tin nhắn của chị ấy cho xem. Có ông X, tay run và đau khi rê con chuột máy tính, thế mà dùng cao xong thì… thôi rồi. “Sức khỏe nó lên thì chuyện trên cao chuyện dưới thấp nó đều… lên hết”.
Nói chung, cả “chùm” chuyện được B kể, khiến khách mua (hoặc khách giả đò mua như nhóm PV chúng tôi) cứ là mê li, tin sái cổ. Và cuối cùng là các ông trùm buôn xuyên quốc gia thỏa sức… trục lợi. Ảnh, tin nhắn từ “khách hàng”, B nói thế thì biết thế, ai mà kiểm chứng được chúng đã được B và cộng sự tạo tác, cài cắm, lừa đảo ra sao?
Không chỉ từ tiết lộ của B, chúng tôi còn có dịp trao đổi với Đ.H.T - đối tượng trực tiếp nấu các nồi cao hổ cùng B, được B thuê để cọ các loại xương trâu, xương chó rồi bỏ vào nồi cao hổ phù phép thêm.
Dù B đã tiết lộ nhưng không cụ thể lắm, vì e ngại khách hàng (chúng tôi) là người “chưa rõ nguồn gốc”. Chứ với Đ.H.T, một tay chơi có hạng và là “người trong cuộc” nấu cao hổ cùng B, thì anh ta không ngại đưa ra các sự thật khá là đắng lòng ở góc độ bảo tồn thiên nhiên và tinh thần thượng tôn luật pháp.
Theo lời kể của Đ.H.T, B đã móc nối, đặt hàng, mua lại xương hổ, sừng tê giác, ngà voi của các đối tượng ở ven các cảng biển lớn .“Hàng” có thể được ngụy trang trong các công-ten-nơ gỗ nguyên khúc lớn. Thậm chí, họ khoét rỗng lõi của các cây gỗ lớn (trong cả kho gỗ nhập khẩu khổng lồ), bỏ xương hổ vào đó.
B rất thận trọng với các lô hàng này. Khi nhận hàng thì phải kiểm tra kỹ lưỡng, đủ loại xương đầu, nanh hổ và xương tứ chi, nhất là “mắt phượng” (một phần xương có cái lỗ tròn mà chỉ loài hổ mới có, là căn cứ để loại trừ nguy cơ bộ xương bị “đánh tráo” với xương của loài vật tương tự - cùng là mèo lớn, big cat - như báo, sư tử).
Bấy giờ, xương hổ sẽ được ngụy trang vận chuyển trên những xe bán tải hoặc xe tải chở hàng vào ban đêm. Đôi lúc, hàng về thẳng nhà B, lắm khi cũng đi loanh quanh đề phòng bị mật phục. Với hàng (xương hổ hoặc hổ đông lạnh, thậm chí nhiều đối tượng mua nguyên hổ sống, khi vận chuyển họ tiêm thuốc mê để "ngài" khỏi gầm gào)...
Một “nhân vật” quan trọng của những “vạc lửa” khét tiếng trong ngôi nhà cổ mà B làm chủ kia, tiết lộ: Khi các bộ xương hổ khô được tập kết tại nhà B rồi, thì B sẽ thông báo cho anh em, bạn bè, người thân và một số “tín đồ cao hổ” đến tụ tập. Họ làm lễ “khui” (mở) thùng xốp, thùng gỗ “nguyên đai nguyên kiện” từ nước ngoài về. Anh ta mở trước sự chứng kiến của tất cả những người có mặt. Mục đích là để tạo niềm tin cho khách hàng tiềm năng. Tận mắt chứng kiến, ai cũng trầm trồ.
Khi đó, B bắt đầu phân tích: Bộ xương này của hổ hoang dã (xin thưa, châu Phi vốn chưa bao giờ có hổ, vài đối tượng mang hổ từ châu Á sang nuôi vào trang trại rồi giết mổ mang xương về, làm gì có hàng hoang dã!). Trước các “con gà” mang “trứng vàng” tới, B bốc đồng dùng cả búa mà gõ vào các lóng xương, để chứng minh độ cứng của xương hổ khô xịn. Tiếp đến, B cân lượng xương hổ lên, cho mọi người thấy giá trị của toàn nồi cao.
Khách ngồi chứng kiến các “ông thợ” lột da "Chúa sơn lâm", ghè vỡ khoang miệng “ngài”, lấy răng nanh, tháo 4 bánh chè để riêng, có khi mài tươi ra mà pha rượu uống.
Và cuối cùng là những toán thợ cùng nhau đánh bài, xem điện thoại giết thời gian, trong quá trình trực tiếp canh gác hoặc cắt cử người canh gác 7 ngày đêm, không vị khách nào có thể biết rằng trong cái vạc... "thần dược" đắt đỏ ấy có pha trộn gì không? |