Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long |
Nguồn tiềm năng quý
Được đánh giá là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nổi trội và đặc sắc nhất cả nước, Quảng Ninh không chỉ có Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Khu di tích - danh thắng Yên Tử nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, mà còn có hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác.
Một hệ thống tài nguyên du lịch biển liên hoàn nối liền Vịnh Hạ Long với Vịnh Bái Tử Long, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, đảo Cô Tô, Trà Cổ, Vĩnh Thực… khiến Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng triệu du khách mỗi năm. Bởi các địa danh này có những ưu thế đặc biệt về tài nguyên thiên nhiên, không gian thoáng rộng, còn hoang sơ, chưa bị nhiều áp lực về môi trường, nổi bật với những bãi biển đẹp, như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), Hồng Vàn, Vàn Chảy (huyện Cô Tô)... rất thích hợp phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển. Không chỉ có các bãi biển đẹp, hệ thống các tuyến đảo trên biển còn được thiên nhiên ưu đãi những cánh rừng nguyên sinh rất đẹp, hệ sinh thái, động, thực vật phong phú với nhiều loài hải sản quý hiếm, có thể phát triển các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, ẩm thực...
Cùng với du lịch biển đảo, du lịch tâm linh là một trong những thế mạnh của du lịch Quảng Ninh. Theo đó, địa phương đang sở hữu hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa các loại. Trong đó, có những di tích - danh lam thắng cảnh được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt có giá trị khai thác phục vụ phát triển du lịch. Quảng Ninh còn có cửa khẩu biên giới quốc tế Móng Cái giáp với Trung Quốc, mỗi năm lượng du khách qua lại cửa khẩu khá đông.
Phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác tiềm năng nhưng thân thiện với môi trường, Quảng Ninh hiện đã hình thành 4 trung tâm du lịch chính, mỗi trung tâm gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng, đó là: Hạ Long (du lịch cảnh quan, văn hóa và vui chơi giải trí); Móng Cái - Trà Cổ (du lịch biển kết hợp biên mậu); Vân Đồn - Cô Tô (du lịch tâm linh, biển đảo, vui chơi giải trí); Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên (du lịch tâm linh văn hóa). Ngoài ra, các địa phương khác như Bình Liêu, Hải Hà, Cẩm Phả... đều có những điểm du lịch nổi bật thu hút khách. Tính đến nay, Quảng Ninh đã có 32 tuyến, 78 điểm du lịch của 10/14 địa phương trên địa bàn được UBND tỉnh công nhận. Chưa kể, từ tháng 4/2016, Sở Du lịch Quảng Ninh đã chính thức được thành lập từ việc tách ra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tạo tiền đề quan trọng phát triển ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Quảng Ninh đã tăng cường và không ngừng đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành các chính sách quản lý, quy chế, kế hoạch, đề án... Công tác đầu tư hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và hạ tầng du lịch, điển hình, như các dự án của Tập đoàn Sun Group, Vingroup, FLC... đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo du lịch trên địa bàn, đồng thời đã minh chứng định hướng đúng đắn, chính sách phù hợp của tỉnh trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới đã được đưa vào khai thác và có kết quả tích cực.
Đặc biệt, đối với các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch, Quảng Ninh luôn chú trọng, ưu tiên những sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên các yếu tố thân thiện với môi trường, có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Đặc biệt ưu tiên phát triển thế mạnh du lịch biển với các loại hình nghỉ dưỡng biển đảo, vui chơi giải trí chất lượng cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, du lịch sinh thái... được ưu tiên phát triển.
Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý
Nhằm phát huy tối đa vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, tạo động lực phát triển du lịch Quảng Ninh, thời gian tới, Sở Du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Sở Du lịch Quảng Ninh cũng tăng cường khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch bảo đảm đủ năng lực vận hành, thực sự phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Mục tiêu của ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2018, tổng lượng khách đạt 11 triệu lượt, trong đó có 5 triệu khách quốc tế; năm 2019, tổng khách du lịch đạt 13 triệu lượt, trong đó có 6 triệu khách quốc tế; năm 2020, tổng khách du lịch đạt 15 triệu lượt, trong đó có 7 triệu khách quốc tế; đến năm 2030, tổng khách du lịch đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt. |