Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu nền kinh tế…. giai đoạn 2021-2025.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum đã nêu kiến nghị của cử tri địa phương về bổ sung các dự án nguồn và trạm biến áp vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, đại biểu Tô Văn Tám cho biết: Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã vào thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum và đã có những kết luận chỉ đạo quan trọng. Trong đó, giao Bộ Công Thương khẩn trương xử lý tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan địa phương đơn vị liên quan, trong đó có tỉnh Kon Tum để hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, cử tri và chính quyền tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương quan tâm đưa các dự án nguồn điện, lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào quy hoạch điện VIII, đồng thời bổ sung trạm biến áp 500 kV tại huyện Kon Rẫy - Kon Tum đấu nối với đường dây 500 kV liên khu 2 - Dốc Sỏi vào Quy hoạch điện VIII.
Đại biểu Tô Văn Tám tại phiên thảo luận chiều 31/10 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Sau khi nhận được ý kiến kiến nghị của ĐBQH Tô Văn Tám, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nghiên cứu và tham mưu, làm rõ thông tin về các vấn đề.
Theo thông tin Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cung cấp bước đầu, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 đã tính toán cân đối nguồn đối các loại hình nguồn điện với từng khu vực, đề xuất các công trình lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện trên toàn quốc và từng khu vực. Trong đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo không có danh mục dự án cụ thể, chỉ có tổng công theo từng khu vực.
Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện đề án, trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 7146/TTr-BCT ngày 12/10/2023, trong đó đã phân bổ quy mô công suất nguồn điện năng lượng tái tạo theo từng địa phương trên cơ sở tính toán chi phí sản xuất điện (LCOE) điển hình của các khu vực tiềm năng theo tỉnh; tính phí truyền tải của từng tiểu vùng/tỉnh; đánh giá khả năng giải tỏa công suất từng vùng/tiểu vùng/tỉnh; đảm bảo cơ cấu nguồn điện tối ưu, phù hợp với Quyết định 500/QĐ-TTg.
Về kiến nghị bổ sung nguồn và trạm biến áp tại địa bàn tỉnh Kon Tum, cần xem xét kỹ các yếu tố sau:
Hiện nay, quy mô công suất nguồn điện của tỉnh Kon Tum là 606 MW (gồm thủy điện vừa và lớn 320 MW và thủy điện nhỏ 286 MW).
Phụ tải tại chỗ Kon Tum thấp, Pmax năm 2023 chỉ đạt khoảng 130 MW. Dự báo Pmax năm 2030 đạt khoảng 236 MW.
Như vậy, hiện nay Kon Tum đã thừa nguồn, phải truyền tải đi 476 MW. Nếu không xây thêm nguồn thì đến 2030, tỉnh vẫn dư nguồn, phải tải đi 370 MW.
Tổng nguồn điện tính toán cho vùng Tây Nguyên theo QHĐ VIII giai đoạn 2023-2030 tăng thêm là khoảng 5.700 MW, trong đó thủy điện vừa và lớn 640 MW, thủy điện nhỏ 1083 MW, điện gió 3061 MW, điện mặt trời 500 MW và một số nguồn điện khác.
UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị bổ sung công suất nguồn điện đến năm 2030 tổng cộng 4.466,8 MW gồm: Điện gió trên bờ 3.153 MW; Điện mặt trời 199,2 MW; Điện sinh khối 50 MW; Các dự án thủy điện mở rộng 304 MW (Sê San 3 MR, Sê San 4 MR, Sê San 3A MR); Thủy điện nhỏ 760,6 MW.
Do đó, nếu phát triển nguồn điện lên đến 4.466,8 MW theo kiến nghị thì năm 2030, công suất cần tải đi các vùng khác là 4.200 MW. Khoảng cách truyền tải 600 km đi Miền Đông hoặc 1000 km ra Bắc Bộ, gây tổn thất kỹ thuật lớn. Phương án đầu tư nguồn này sẽ không đáp ứng được quan điểm phát triển cân đối nguồn – tải theo vùng miền của QHĐ VIII.
Về điện gió, tổng công suất nguồn điện gió tại khu vực Tây Nguyên tăng thêm giai đoạn 2023-2030 là 3.061 MW. Tính toán chi phí sản xuất điện cho thấy: điện gió Kon Tum có chi phí sản xuất điện quy dẫn LCOE + phí truyền tải trung bình/kWh khoảng 8,5 USCent cao hơn các tỉnh lân cận như Gia Lai 7,2 USCent; Đắk Lắk 7,1 USCent; Đắk Nông 8,1 USCent. Do vậy khi tính toán nguồn điện gió cho Tây nguyên, kết quả phân bổ tập trung chủ yếu tại Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Trạm biến áp 500 kV Kon Rẫy chưa có trong danh mục các công trình lưới điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn đến năm 2030. Do đó, việc đề xuất bổ sung Trạm biến áp 500 kV Kon Rẫy vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ không đủ cơ sở để xem xét mà phải tuân thủ theo đúng các quy định về pháp luật quy hoạch đã được quy định trong Luật Quy hoạch. Quy hoạch điện VIII đc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg cũng đã đánh giá khả năng giải tỏa công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum và trong khu vực để đề xuất phương án phát triển lưới điện, theo đó đến năm 2030 chưa cần thiết xây dựng TBA 500 kV Kon Rẫy trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Đắk Nông, Thủ tướng rất ủng hộ phát triển điện gió tại địa phương, kết hợp với xây dựng TBA 500 kV Kon Rẫy, nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý là cần “tính toán cân đối xem như thế nào”. Với kiến nghị phát triển 3000 MW điện gió tại Kon Tum cùng với xây mới TBA 500 kV Kon Rẫy sẽ gây vượt tổng quy mô điện gió Tây Nguyên 3.061 MW giai đoạn 2023-2030, đồng thời gây tăng chi phí sản xuất điện quốc gia.