Xuất siêu đã duy trì tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, nhất là trong 10 tháng qua, khi bối cảnh sản xuất trong nước bị tác động rất lớn từ dịch bệnh Covid-19 cũng như những ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Những nỗ lực mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, những buổi giao thương trực tuyến “thời Covid”, và nhất là nỗ lực nội tại từ mỗi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã làm nên con số tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng qua, tạo nên kỷ lục xuất siêu.
10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD |
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tháng 10/2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 9/2020 song lại tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, với sự phục hồi khá tích cực từ đầu quý III/2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2020 đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á sụt giảm do tác động của dịch bệnh.
Trên thực tế, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã duy trì được đà tăng trưởng tốt, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp chế biến và một số mặt hàng nông lâm thủy sản. Trong 10 tháng, đã có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,76% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,9%.
Công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng đóng vai trò chủ lực vào tốc độ tăng trưởng trong tháng 10/2020 với kim ngạch đạt 22,53 tỷ USD, tăng 9% so với tháng 10/2019. Trong đó, những mặt hàng ghi nhận đà tăng trưởng cao vẫn là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 58,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 11,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 25,1%; sắt thép các loại tăng 43%; điện thoại các loại và linh kiện cũng tăng nhẹ trở lại với mức tăng 0,6%... Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 với kim ngạch ước đạt 194,37 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 42%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,4%...
Trong bối cảnh sản xuất trong nước phục hồi chưa thực sự bền vững, không ít ý kiến cho rằng con số suất siêu kỷ lục của 10 tháng qua có một yếu tố cần quan tâm đó là do nhập khẩu giảm chứ không hẳn xuất khẩu tăng cao; nguồn nguyên cho sản xuất trong nước bị đứt gãy bởi dịch bệnh nên về lâu dài nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng tới sản xuất trong nước. Lo ngại này không phải không có cơ sở bởi qua từng tháng, kim ngạch nhập khẩu có trồi sụt nhất định với xu hướng giảm nhiều hơn tăng, so với kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của xuất nhập khẩu 10 tháng qua, nhập khẩu vẫn duy trì đà tăng song hành cùng đà tăng của xuất khẩu, đặc biệt trong tháng 10. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu tháng 10/2020 ước 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng liền kề trước đó. Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,6%).
Kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ, cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất phục vụ cho nhu cầu cuối năm. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào nhiều mặt hàng tăng trưởng nhập khẩu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, như: điện tử, máy tính và linh kiện đạt 51,3 tỷ USD (chiếm 24,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm chất dẻo đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,6%; sản phẩm hóa chất đạt 4,6 tỷ USD, tăng 3,3%...
Vì thế, con số thặng dư thương mại của tháng 10 với xuất siêu đạt 2,2 tỷ USD, và tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD thực sự là động lực lớn cho nền kinh tế, nhất là nếu so với mức đạt được của cùng kỳ năm trước là 9,3 tỷ USD.
Không thể không khách quan nhìn nhận rằng, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,7% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 10 tháng đầu năm của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn của nền kinh tế.
Ngược trở lại 9 năm trước, năm 2011, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030”, chúng ta vẫn đang phải nhập siêu gần 10 tỷ USD hàng hóa, và nhiều năm trước đó nhập siêu vẫn luôn hiện hữu trong nền kinh tế. Nền kinh tế vốn chưa đủ mạnh, dự trữ ngoại tệ vốn đã không cao lại phải chi một khoản không nhỏ để nhập khẩu hàng hóa là điều rất khó khăn cho duy trì ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô. Để thấy, có được con số xuất siêu ấn tượng trong 4 năm lại đây với mức thặng dư tăng đều qua các năm, và năm nay sẽ là năm thứ 5 Việt Nam tiếp tục được đà tăng trưởng ấy, chúng ta đã có chiến lược đúng đắn về xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh… Trong đó, Bộ Công Thương với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, đầu mối về mở cửa thị trường, phát triển các thị trường mới, đàm phán các hiệp định thương mại để gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã làm tốt chức trách của mình.
Xuất siêu tăng trưởng cao cũng đã khẳng định được sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Thặng dư thương mại lớn giúp đất nước gia tăng dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để ổn định tỷ giá.