Xuất khẩu xoài: Cách nào để gia tăng thị phần?
Tăng chất, đẩy xuất khẩu
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện xoài tươi Việt Nam đang xuất sang 22 nước, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, sản phẩm từ xoài xuất sang 53 nước.
Năm 2021, gần 600.000 tấn xoài được xuất sang các nước, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng gấp 3 lần từ 215 tấn năm 2020 lên 640 tấn năm 2021, tương tự Hàn Quốc tăng 130% sản lượng,... Tín hiệu thị trường tích cực mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu xoài cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tín hiệu thị trường tích cực mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu xoài cho doanh nghiệp Việt Nam |
Mới đây, ngày 19/2, ba tấn xoài Cát Chu của Đồng Tháp đã xuất khẩu sang châu Âu (Hà Lan). Đây là những quả xoài có mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và có chứng nhận chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Công ty Cổ phần Cánh Cổng Vàng Việt Nam - cho biết, với chất lượng của trái xoài Đồng Tháp, công ty đã ký kết với Tập đoàn MCE Hà Lan tại Việt Nam để xuất khẩu xoài với sản lượng 8 tấn/tuần, sau đó sẽ tăng dần lên. Dự kiến, đến hết tháng 3/2022, công ty sẽ xuất khẩu 8 tấn xoài sang châu Âu. Đồng thời mở rộng xuất khẩu xoài sang thị trường khác. Hiện, giá xuất khẩu xoài là 11-13 Eur/kg, còn mức giá bán tại các siêu thị ở EU là 18 Eur/kg.
Để nắm bắt cơ hội thị trường xuất khẩu, mới đây, Công ty TNHH nông nghiệp Hoàng Phan và Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát (thuộc Tập đoàn Andros-Asia, Pháp) ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Sở NN&PTNT An Giang và UBND huyện An Phú về xây dựng vùng nguyên liệu xoài keo 350ha với sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn huyện An Phú, tiếp tục đầu tư mở rộng 1.000ha xoài từ nay đến năm 2025 (ước sản lượng 16.000 tấn/năm) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU và các nước khác.
Đây là hình thức liên kết sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ phát triển sản phẩm theo phương thức sản phẩm đạt tiêu chuẩn gắn chế biến nên ổn định thị trường tiêu thụ và giá bán. Vùng trồng sẽ được đánh giá cấp mã số định danh (mã code) nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu và đơn vị thu mua chế biến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, để giữ vững và mở rộng, phát triển thị trường đòi hỏi nhà vườn phải liên tục nâng cao chất lượng. Bởi theo Cục BVTV, hiện cả nước có 845 mã số vùng trồng xoài, diện tích 42.000 ha chiếm 31%. Riêng xoài Cát Chu xuất sang Nhật có 16 mã số vùng trồng được cấp, chủ yếu tại Đồng Tháp. Mất 5 năm đàm phán, Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu xoài Cát Chu của Việt Nam. Đầu năm 2022, nước này thông báo dừng nhập khẩu xoài do sự cố một doanh nghiệp xuất khẩu đóng gói nhầm xoài khác loại vào các lô xoài Cát Chu của Việt Nam trong khi quốc gia này chỉ nhập xoài Cát Chu trồng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục BVTV - cho biết, sau thời gian gián đoạn, hiện Nhật Bản đã nhập khẩu trở lại nhưng thị trường này có thêm các yêu cầu như các vùng trồng phải có mã số do họ phê duyệt, cơ sở đóng gói không đóng hai thị trường cùng lúc,... Ngoài ra, Nhật Bản kiểm soát rất chặt chẽ theo chuỗi từ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý (hơi nước nóng 47 độ trong 20 phút), kiểm tra, kiểm dịch trước khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, thị trường khó tính như Nhật Bản xoài có thể xuất được thì các thị trường khác không thành vấn đề. Do đó, để các vùng trồng xoài duy trì việc đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản “người dân cần không ngừng nâng cao kỹ thuật và trình độ sản xuất, đồng thời có những hiểu biết nhất định về quy định thị trường này”, bà Nguyễn Thị Thu Hương khuyến cáo.
Sẽ phân cấp quản lý mã số vùng trồng về địa phương
Theo Cục BVTV, hiện số lượng mã số vùng trồng các chi cục địa phương quản lý hiện rất lớn. Trên quan điểm giúp người dân nâng cao hơn nữa nhận thức về mã vùng trồng, cũng như các kỹ thuật canh tác "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng"..., Cục BVTV chủ trương bàn giao dần những mã số đã được cấp từ chi cục về huyện (trạm trồng trọt và BVTV huyện, phòng NN&PTNT huyện).
Trong quá trình chuyển giao, chi cục địa phương cần phối hợp với các đơn vị cấp huyện giám sát mã số vùng trồng theo quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu. Hàng năm, chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra, rà soát lại công tác giám sát mã số vùng trồng đã cấp, với tỷ lệ khoảng 10 - 15% hồ sơ mà trạm trồng trọt và BVTV cấp huyện quản lý.
Chi cục cấp tỉnh, thành phố sẽ chỉ kiểm tra các vùng trồng được đề nghị cấp mã số mới. Trong quá trình này, cần tăng cường công tác tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp để thay đổi nhận thức.
Theo Cục BVTV, định hướng mới của Cục sẽ giúp bà con nông dân hiểu rõ và nắm chắc hơn những yêu cầu xuất khẩu. Trong bối cảnh các nước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, bao bì, cách làm này sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bài bản, bền vững hơn.