Thứ sáu 22/11/2024 10:29

Xuất khẩu thủy sản sang Bắc Âu: Đâu là thuận lợi của thủy sản Việt?

Thủy sản Việt Nam tại thị trường Bắc Âu sẽ được hưởng lợi ích từ quá trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Nhiều thuận lợi cho thủy sản Việt Nam

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia), Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã và đang tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam về thuế nhập khẩu với các đối thủ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập và mở rộng thị phần tại khu vực này.

Cụ thể, khi EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế được áp dụng thuế suất cơ bản từ 0 - 22%, trong đó phần lớn các loại thuế cao từ 6 - 22% sẽ giảm về 0% (khoảng 840 biểu thuế dòng). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ bản từ 5,5 - 26% sẽ giảm về 0% sau 3 - 7 năm. Đối với các sản phẩm cá ngừ và cá viên đóng hộp, hạn ngạch thuế quan của EU đối với Việt Nam là 11.500 tấn và 500 tấn, tương ứng.

Sản phẩm cá tra đông lạnh xuất khẩu sang Bắc Âu đang hưởng thuế GSP 5,5% sẽ được hưởng thuế EVFTA 0% sau 3 năm

So sánh với các nước khác xuất khẩu thủy sản vào EU, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan và Ecuador không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ và Indonesia không có FTA chịu thuế GSP 4,2%.

Sản phẩm cá tra đông lạnh đang hưởng thuế GSP 5,5% sẽ được hưởng thuế EVFTA 0% sau 3 năm, trong khi các nước Indonesia sẽ vẫn chịu thuế GPS 5,5% và Trung Quốc chịu thuế cơ bản 9%.

Đối với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3 – 7 năm thuế được về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18%-24%.

Đặc biệt, một số mặt hàng chế biến có thuế suất cơ bản cao (20%) sẽ giảm ngay về 0% như hàu, sò điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, bào ngư...; hầu hết các mặt hàng mực, bạch tuộc đông lạnh có mức thuế cơ bản từ 6 - 8% sẽ giảm ngay về 0%; các sản phẩm khác như surimi giảm từ 14,2% xuống 0%, cá kiếm từ 7,5% xuống 0% ...

Cùng với EVFTA, thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu cũng sẽ được hưởng lợi từ Brexit. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển phân tích, Vương quốc Anh là một trong bảy nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của EU, nhưng cũng là nước xuất khẩu lớn thứ 8 trong khu vực trong những năm gần đây với giá trị nhập khẩu tăng từ 4,0 lên 4,5 tỷ USD trong 5 năm. Xuất khẩu thủy sản của Anh cũng tăng từ 2,0 - 2,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nội khối EU chiếm khoảng 1,6 - 1,9 tỷ USD (chiếm 70 - 80%).

Các nước EU và Anh đang cố gắng đi đến một thỏa thuận hợp lý về nghề cá, nhưng để đi đến thống nhất giữa Anh và các nước thành viên EU là một vấn đề nhạy cảm, không dễ. Do đó, nếu EU và Vương quốc Anh không đạt được một thỏa thuận hợp lý, thương mại của Vương quốc Anh với EU sẽ gặp khó khăn, trong khi sản lượng khai thác của EU sẽ giảm mạnh. Khi đó, EU sẽ có thêm nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ các nước ngoài EU. Đó sẽ là cơ hội để Việt Nam và các nước xuất khẩu thủy sản khác tăng thị phần vào EU.

Đối với thị trường Anh, việc rút khỏi EU không ảnh hưởng đến thương mại với các nước ngoài EU vì chính sách thuế nhập khẩu của Anh không thay đổi so với thuế của EU. Nhu cầu thủy sản của Anh được dự báo vẫn ổn định và có thể tăng đối với các sản phẩm nuôi.

Ngoài ra, về xung đột Nga và Ukraine, Nga là một nước sản xuất và xuất khẩu cá thịt trắng đứng đầu thế giới. Loại cá xuất khẩu chủ lực của Nga là cá minh thái và cá tuyết cod. Cá trắng của Nga được tiêu thụ nhiều ở EU.

Trước hành động của Nga với Ukraine đã khiến cho nhiều nước trong đó có EU cấm vận thương mại làm gián đoạn các hoạt động xuất khẩu thủy sản của Nga vào EU. Do vậy, đây là cơ hội cho cá tra của Việt Nam thay thế một phần nhu cầu nhập khẩu cá trắng của EU, trong đó có các nước Bắc Âu.

Doanh nghiệp đối diện với khó khăn gì?

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng phân tích, mặc dù Hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp thủy sản Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, do thị trường Bắc Âu nhỏ, các nước này lại chủ yếu nhập khẩu từ các nước xung quanh, nên thủy sản Việt Nam khó có cơ hội tăng kim ngạch, hoặc có tăng cũng không đáng kể.

Ngoài ra, thị trường Bắc Âu là thị trường khó tính, với các qui định khắt khe cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Chưa kể, hiện nay, thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu vào khu vực này vẫn chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sơ chế qua, hàng có giá trị cao vẫn còn ít nên chưa tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan do Hiệp định EVFTA mang lại.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đơn hàng bị hủy, chậm hoặc thiếu nguyên liệu.

Ngoài dịch bệnh, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung cầu, ảnh hưởng đến các hoạt động hậu cần và vận chuyển, gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu.

Ngoài ra, tháng 10/2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, và không theo quy định (IUU). Việc này đồng nghĩa với việc thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm soát theo xác xuất. Kể từ khi bị thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã sụt giảm đáng kể. Ảnh hưởng trực tiếp nhất là các sản phẩm thủy sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và ảnh hưởng gián tiếp là thủy sản nuôi trồng. Nếu việc này không được khắc phục triệt để tháo gỡ thẻ vàng và tránh thẻ đỏ, thủy sản Việt Nam khó có thể tăng trưởng. Trong trường hợp xấu nhất, thủy sản Việt Nam bị thẻ đỏ sẽ là lệnh cấm xuất khẩu sang thị trường này.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Bình ổn hàng hóa

Tin cùng chuyên mục

Israel thông báo Hiệp định VIFTA có hiệu lực trong tháng 11/2024

Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại gạo giữa hai nước Việt Nam và Philippines

Liên minh châu Âu công bố danh sách cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm nhập từ Việt Nam

Xelex Việt Nam ra mắt mẫu laptop và máy tính bảng Latimer tại thị trường Hoa Kỳ

Đa dạng hóa hàng xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Philippines

Không có gạo Việt Nam trong số gạo bị tạm giữ tại Thuỵ Điển do nghi ngờ gian lận chất lượng

Doanh nghiệp Việt kiều làm 'cầu nối' đưa hàng Việt Nam ra thế giới

Hàng trăm tấn gạo bị tạm giữ tại Thuỵ Điển do nghi ngờ gian lận chất lượng

Liên kết Việt - cầu nối đưa hàng Việt Nam dần tiếp cận chuỗi phân phối tại Bỉ

Xuất khẩu thủy sản duy trì thị phần tốt tại Singapore

Tình hình kinh tế Gambia và quan hệ thương mại với Việt Nam

Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Senegal

Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 dự báo đạt 56,3 triệu tấn

Tuần hàng Việt Nam tại Pháp - nền tảng để doanh nghiệp phát triển, xây dựng thương hiệu tại châu Âu

Algeria cấm nhập khẩu một số sản phẩm sắt thép

Senegal thị trường tiềm năng cho hàng nông sản, thực phẩm

EU thay đổi quy định kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch với bang Uttar Pradesh Ấn Độ

Thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong ngành lụa tơ tằm