Nâng cao hoạt động thực thi Luật An toàn thực phẩm |
Theo Bộ Công Thương, năm 2017, kim ngạch XK của nước ta sang Hoa Kỳ đạt 41,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 9,2 tỷ USD, tăng gần 5,7%. Tuy nhiên, nếu so với mức tăng trưởng của vài năm gần đây, có thể nhận thấy, tốc độ tăng trưởng cả XK và NK giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang có xu hướng chậm lại. Cụ thể, năm 2016, tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng tới 15% so với năm 2015 và NK tăng 11,74%. Những rào cản kỹ thuật mới từ các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng như những chính sách mới từ thị trường này đang là rào cản lớn đối với DN XK.
Thủy sản đang là mặt hàng chịu nhiều áp lực nhất khi XK sang Hoa Kỳ khi thị trường này liên tục đưa ra các rào cản về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đơn cử, tháng 9/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố Kết luận sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) đối với sản phẩm cá tra - basa NK từ Việt Nam. Theo đó, sau khi Hoa Kỳ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam từ ngày 2/8/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp mức thuế 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12. XK cá tra sang Hoa Kỳ năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 10% so với năm 2016.
XK thủy sản sang thị trường này dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn, bởi Chương trình giám sát hải sản NK (SIMP) chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản vào nước này được triển khai từ đầu năm 2018, sẽ khiến thủy sản XK sang quốc gia này bị kiểm soát nguồn gốc chặt hơn.
Theo các chuyên gia, mức sụt giảm tăng trưởng XK sang Hoa Kỳ là dấu hiệu đáng lưu tâm vì hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của nước ta (sau Trung Quốc và Hàn Quốc). Do đó, với mặt hàng nông - lâm - thủy sản, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với DN và thị trường. Đồng thời, tăng cường nâng cao hoạt động thực thi Luật An toàn thực phẩm, Luật Thủy sản…
Trong bối cảnh XK hàng hóa sang quốc gia này tăng cao, đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều không tránh khỏi. Do đó, Bộ Công Thương đang tích cực hỗ trợ các hiệp hội, DN cập nhật thông tin, ứng phó với các vụ việc hàng hóa XK bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thông tin cảnh báo về cách phòng tránh, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của DN.
Cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường của các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, DN cần có giải pháp nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thị trường nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK. |