Theo tổng hợp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Nghệ An có gần 13.000 lao động đi xuất khẩu và là tỉnh có số lượng lao động đi xuất khẩu đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, trong số này phần lớn là lao động phổ thông và đi làm tại các nước có mức thu nhập thấp như Đài Loan, Malaixia và các nước Trung Đông. Chỉ khoảng 3000 lao động đi các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Nguyễn Bằng Toàn- Giám đốc Sở Lao động Thương bình và xã hội Nghệ An thừa nhận, lực lượng lao động của Nghệ An nhiều nhưng chưa khai thác hết và bỏ lỡ nhiều thị trường lao động chất lượng, có tiềm năng.
Tư vấn cho lao động tại Công ty Emico |
Thực tế cũng cho thấy, đây là những thị trường lao động đòi hỏi rất cao về chất lượng lao động. Thế nhưng, lao động Nghệ An lại đang có nhiều hạn chế cả về trình độ lẫn tác phong, kỹ năng công nghiệp.
Theo anh Nguyễn Trung Hậu, Công ty Emico ( một công ty chuyên làm XK lao động), so với thị trường Hàn Quốc, thị trường Nhật Bản thuận lợi hơn và kinh phí cũng rất thấp (thấp hơn cả thị trường Đài Loan). Tuy vậy, việc tuyển dụng lao động vẫn rất khó khăn. Ở Emico, từ đầu năm đến nay đã đưa được 100 lao động sang nước ngoài làm việc nhưng lao động sang Nhật Bản chỉ có 20 người. Nhật Bản cũng đang “khát” những lao động là kỹ sư, có trình độ, có tay nghề, kỹ năng ngoại ngữ thông thạo.
Tuy nhiên, đại diện của các công ty Xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc tuyển dụng đối tượng này ở Nghệ An hết sức khó khăn. Từ năm 2012, Sở Lao động và Thương binh xã hội Nghệ An cũng đã phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin để tìm kiếm lao động đi làm việc theo dự án thí điểm tuyển chọn ứng viên điều dưỡng Việt Nam để đưa sang học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già tại Cộng Hòa Liên bang Đức. Thế nhưng, rất khó triển khai.
Theo chị Đặng Phương Thúy- Phó Phòng Lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An thì, đây là một chương trình có rất nhiều ưu đãi cho người lao động bởi kinh phí được đài thọ. Người lao động nếu trúng tuyển sẽ được đào tạo bài bản, có nhiều cơ hội được làm việc tại các Bệnh viện của Đức. Tuy vậy, cái khó hiện nay là chúng ta không có nhiều lao động đáp ứng được các tiêu chuẩn hoặc nếu có thì cũng chưa “tự tin” để tham gia thi tuyển và bỏ lỡ nhiều cơ hội làm việc hấp dẫn.
Ngay như ở Trường Đại học Y khoa Vinh- một trong những đơn vị đào tạo nhân lực ngành y lâu năm, nhưng đại diện nhà trường cho biết, chưa có kế hoạch đưa lao động đi theo chương trình này.
Tuy nhiên, để đi được các chương trình này cũng chẳng dễ dàng gì. Theo Chị Hoàng Thị Dung (xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vốn là sinh viên của Trường Cao đẳng y Phú Thọ. Ra trường năm 2014, chị đã trực tiếp ra Cục Quản lý Lao động ngoài nước ở Hà Nội để thi tuyển. Sau khi trúng tuyển, chị mất 13 tháng học tiếng Đức tại Việt Nam để lấy chứng chỉ trình độ tiếng Đức B2 theo tiêu chuẩn của CHLB Đức và do Viện Goethe cấp. Đến khi sang Đức, chị tiếp tục phải mất 2 năm để đào tạo chuyên môn. Sau gần 1 năm sang Đức, từ Berlin chia sẻ về công việc hiện nay của mình, chị cho biết: Theo hợp đồng lao động, chúng tôi có thời gian làm việc tại Đức 5 năm với mức lương có thể lên tới 50 – 60 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương này chỉ được nhận từ năm thứ 3 sau khi đã có tay nghề vững. Hiện tại, dù đang trong thời gian đào tạo chuyên môn nhưng yêu cầu của công việc rất cao, ngoài học tiếng, chúng tôi phải học các kỹ năng để chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Sang đến đây, ai cũng nỗ lực hết mình vì nếu học không tốt thì không thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa và chắc chắn phải tự mua vé máy bay để về nước.
Từ thực tế này, để tiếp cận với những thị trường lao động chất lượng cao, Nghệ An vẫn đang còn nhiều điều phải làm. Trong đó, trước mắt là phải quan tâm đến công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ. Xa hơn, cần phải có một chiến lược lâu dài để từng bước đón đầu và thực hiện đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc tại nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020” mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng.