Thứ sáu 27/12/2024 12:50

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng vọt, doanh nghiệp ồ ạt thu gom

Sau nhiều tháng chững lại, Trung Quốc đang tăng cường mua gạo của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp liên tục đàm phán được các hợp đồng xuất khẩu mới.

Xuất khẩu tăng vọt

Đầu tháng 3, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu lô hàng chất lượng cao trên 2.000 tấn qua thị trường Trung Quốc. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết, sau nhiều tháng chững lại, hiện Trung Quốc và nhiều thị trường đang tăng cường mua gạo của Việt Nam.

“Sau đơn hàng này, công ty tiếp tục đàm phán tiếp lô hàng khoảng 20.000 tấn sang Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines, Indonesia, Malaysia và các nước Trung Đông cũng đang có tín hiệu muốn nhập hàng”, ông Phạm Thái Bình cho biết.

Đơn hàng từ Trung Quốc đã và đang tăng thêm tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo nói chung. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 4/2023 đạt hơn 1 triệu tấn với giá trị 546 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 2,9 triệu tấn, thu về hơn 1.5 tỷ USD, tăng 40,7 % về lượng và 51,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt hơn 506 nghìn tấn, đạt 292,5 triệu USD.

Xuất khẩu gạo vào Trung Quốc tăng trưởng mạnh

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước… Đây cũng là thị trường có mức giá bình quân của mặt hàng này cao nhất trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm, nước này giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan… nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, nâng thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc lên mức 19,2% so với 6,7% của cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 4, Công ty TNHH Dương Vũ, công ty TNHH Tân Thạnh An, công ty TNHH Việt Hưng, và công ty cổ phần Tân Đồng Tiến là 4 doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lớn nhất.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này, ông Phạm Thái Bình cho biết, Trung Quốc là thị trường truyền thống với nhu cầu tiêu thụ rất cao. Trung bình mỗi năm, thị trường này cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo, trong đó chủ yếu là gạo thơm và gạo nếp. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh.

Cùng với đó, xu hướng sử dụng gạo để thay thế các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi do lợi thế về giá đang tăng lên. Do đó Trung Quốc sẽ cần những nguồn cung thay thế mới cho các dòng gạo phẩm cấp thấp này trong năm 2023 do các nguồn cung chính là Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và Pakistan đang sụt giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo. Đặc biệt, Trung Quốc vừa công bố cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chính thức là cửa khẩu đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc với lượng tối đa 200 nghìn tấn/năm. Như vậy, cùng với cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Việt Nam có 02 cửa khẩu đường bộ được phép nhập khẩu lương thực vào Quảng Tây, Trung Quốc.

Nhiều cơ hội bứt phá

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng. Nguyên nhân do hạn hán kéo dài khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.

Trong báo cáo mới đây, Fitch Solutions cho biết thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023. Fitch Solutions là đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings. Theo đó, báo cáo dự báo niên vụ 2022 - 2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn gạo, mức thâm hụt lớn nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV đánh giá, năm 2023 sẽ là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi Phillipines có thể nhập khẩu 3,1-3,2 triệu tấn gạo của Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc cũng có kế hoạch mua gạo dự trữ vì thời tiết cực đoan...

“Đã có nhiều đối tác cả cũ và mới liên hệ với chúng tôi mua gạo, tuy nhiên ở thời điểm này doanh nghiệp chưa vội bán, mà tạm trữ khoảng 15.000 - 18.000 tấn gạo, chờ khi vụ Đông Xuân kết thúc hẳn, nguồn cung co hẹp, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu với giá tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Thành nói.

“Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể giảm 5-7% về lượng so với năm 2022 (6,5-6,7 triệu tấn) vì sản lượng giảm, tồn kho năm trước ở mức thấp. Tuy nhiên lực cầu tốt sẽ đẩy giá lên, kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay có thể tăng 10-15% với khoảng 3,85 – 4 tỷ USD”, ông Thành dự báo.

Tuy nhiên, để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng nói trên, đại diện Phước Thành IV cho rằng các doanh nghiệp ngành gạo cần theo dõi thị trường, kiểm soát hàng tồn kho để bán ra ở thời điểm giá tốt, giảm rủi ro trượt giá, doanh nghiệp bị lỗ.

Hà Duyên
Bài viết cùng chủ đề: Giá lúa gạo hôm nay

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Chương trình Phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ

Nấm Mối Đen Uyên Khang: Khẳng định thương hiệu nhờ sàn thương mại điện tử

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Phòng vệ thương mại: Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất

Ocean City tổ chức hội chợ xuân Giảng Võ, quy tụ gần 200 gian hàng Việt Nam và Quốc tế

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD

Thương mại điện tử: Khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?