Xuất khẩu dệt may tiếp đà tăng trưởng
Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 11,747 tỷ USD, trong đó hàng may mặc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 8,766 tỷ USD, tiếp đến là xơ sợi 1,638 tỷ USD, vải đạt 740 triệu USD. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản vẫn là thị trường tiêu thụ chính của ngành. Hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí hết năm. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 khả quan và có thể hoàn thành kế hoạch 39 tỷ USD đã đề ra.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, dệt may Việt Nam đang có ưu thế trên một số thị trường xuất khẩu lớn. Tại thị trường EU, năm 2020 giá trị của 100kg áo T-shirt cotton sản xuất tại Bangladesh đã giảm 1% so với năm 2019, xuống còn 1.091,5 euro, sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam tăng giá 3%, đạt 2.157,9 euro; giá trị của 100kg áo thun cotton của phụ nữ hoặc trẻ em gái sản xuất tại Bangladesh giảm 7%, xuống còn 1.329,5 euro, còn của Việt Nam không thay đổi ở mức 2.157,8 euro. Tại thị trường Mỹ, giá 1 tá áo thun cotton Bangladesh giảm 20% vào năm 2020, xuống còn 17,99 USD, Việt Nam giảm 17% xuống còn 31,9 USD; giá áo len chui đầu của Bangladesh giảm 2%, còn Việt Nam vẫn ổn định ở mức 46,9 USD.
4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may tiếp tục tăng trưởng |
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù sản xuất khá sôi nổi nhưng doanh thu của doanh nghiệp không cao, thậm chí giảm. Tổng công ty May 10 - CTCP là một ví dụ, trong quý I/2021 đơn hàng tăng nhưng doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do, May 10 đã nhận một số đơn hàng với mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019. Veston - mặt hàng chủ lực của May 10 có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu tới 60% buộc doanh nghiệp phải thay thế bằng mặt hàng khác đã ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và doanh thu.
Đại diện Công ty CP Dệt May Huế cũng lo lắng cho tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 sẽ khó khăn hơn, bởi đây là giai đoạn chuyển mùa, có sự thay đổi về giá, cơ cấu đơn hàng, chủng loại sản phẩm, tỷ lệ đơn hàng FOB giảm. Doanh nghiệp hiện đã tiếp nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6, một số nhà máy đã nhận được đơn hàng đến hết tháng 8 nhưng doanh thu tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu sẽ thấp hơn so với quý I/2021.
Đơn hàng về khá, kim ngạch xuất khẩu tăng chứng tỏ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới. Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, ngành dệt may được nhận định vẫn sẽ chịu sự tác động theo xu thế chung của toàn cầu như sự bất ổn về đơn hàng, giá giảm.
Do vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn khuyến cáo doanh nghiệp dệt may trong nước cần bám sát thay đổi của thị trường, điều chỉnh sản xuất kịp thời, tăng cường tìm kiếm đơn hàng mới. Song song với đó, nỗ lực hướng sản xuất tới phát triển bền vững bằng cách sử dụng các giải pháp xanh.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.