Xuân ấm áp với công nhân lao động
Xuân mới Giáp Thìn 2024 đến với mỗi gia đình Việt Nam trong niềm vui hân hoan khi chúng ta vừa đi qua một năm được đánh giá là nhiều khó khăn, thử thách nhưng vẫn gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân nói chung, của công nhân lao động nói riêng được chăm lo, không ai không có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp đón xuân mới Giáp Thìn, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác chăm lo cho người lao động.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. |
Thưa đồng chí, năm 2023 được đánh giá là một năm kinh tế khó khăn, theo đó, đời sống của công nhân lao động cũng bị ảnh hưởng. Vậy, tổ chức Công đoàn đã có sự trợ giúp như thế nào đối với lực lượng lao động này?
Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn đối với người lao động. Trước tình hình đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) với nhiều chính sách mang tính hệ thống và chương trình hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt, trước bối cảnh hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, thu nhập giảm sút do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ làm cơ sở để các cấp công đoàn tổ chức hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động với mức từ 1-3 triệu đồng. Kết quả, các cấp công đoàn đã hỗ trợ cho 81.676 người lao động với tổng số tiền hỗ trợ hơn 114 tỷ đồng. Việc ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời của Tổng Liên đoàn đã góp phần đảm bảo đời sống người lao động, thực hiện an sinh xã hội.
Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động chăm lo trong dịp Tết Quý Mão 2023 và Tháng Công nhân; tăng cường các chương trình phúc lợi để đoàn viên, người lao động được mua, sử dụng các dịch vụ thiết yếu với giá ưu đãi.
Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, TP Hà Nội khai trương Chợ Tết Công đoàn 2024 trực tuyến. |
Các hoạt động trên có phải là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang hiện thực hóa tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau” để chăm lo cho người lao động không? Thưa đồng chí?
Đúng như vậy. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong chăm lo cho các đối tượng yếu thế, người nghèo. Hiện thực hóa chủ trương đó, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, tăng cơ hội thụ hưởng chính sách cho đoàn viên, người lao động nghèo với phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”. Trong các chương trình, hoạt động, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, bị mất việc, thiếu việc, công nhân lao động ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số luôn được các cấp công đoàn dành sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt, đầu tiên, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Tiêu biểu trong đó là Chương trình “Tết sum vầy”. Trong 10 năm tổ chức ở tất cả 4 cấp công đoàn, Chương trình đã thu hút hơn 29 triệu lượt đoàn viên, người lao động tham gia; hơn 24,1 triệu lượt đoàn viên, người lao động khó khăn được tặng quà với tổng số tiền hơn 17 nghìn tỷ đồng. Chương trình đã giúp nhiều đoàn viên, người lao động có cái Tết trọn vẹn, đầm ấm hơn. 18 năm triển khai, Chương trình Mái ấm Công đoàn đã giúp hàng chục nghìn đoàn viên, người lao động có nhà ở khang trang hơn. Cùng với đó, hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm của 13 tổ chức tài chính vi mô (CEP) và từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã giúp hàng triệu lượt đoàn viên, người lao động nâng cao kinh tế gia đình.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. |
Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng quà, tiễn công nhân lao động tỉnh Bình Dương về quê ăn Tết trên chuyến tàu Công đoàn - Xuân nghĩa tình 2024. |
Vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể nào để chăm lo cho CNLĐ, đặc biệt là những đối tượng khó khăn?
Đảm bảo “tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết” là phương châm của tổ chức Công đoàn trong nhiều năm qua. Năm 2024, chủ đề “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” được Tổng Liên đoàn triển khai càng thêm ý nghĩa khi Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa tổ chức thành công tốt đẹp. Nhằm chăm lo cho đoàn viên, người lao động, tạo không khí phấn khởi đón mùa xuân mới Tết Giáp Thìn 2024, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đa dạng, linh hoạt như “Chợ Tết Công đoàn”, “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024”, “Tết không xa nhà”, thăm, chúc Tết, tặng quà công nhân lao động... Trong đó đặc biệt quan tâm tới người lao động nhập cư, người dân tộc thiểu số, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người bị giảm, mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng hợp chưa đầy đủ từ các cấp công đoàn, đến nay đã có hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn, với tổng kinh phí hơn 5.050 tỷ đồng. Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, năm 2024, lần đầu tiên chương trình “Chợ Tết Công đoàn” được tổ chức theo hình thức trực tuyến qua các sàn giao dịch thương mại điện tử để người lao động chủ động lựa chọn mua sắm với khoảng 30 nghìn mặt hàng thiết yếu theo nhu cầu.
Chợ Tết trực tuyến dự kiến hỗ trợ 201 nghìn đoàn viên với số tiền hơn 60 tỷ đồng, đã giúp người lao động làm quen với xu thế chi tiêu không dùng tiền mặt, góp phần thực hiện chính sách chuyển đổi số của Chính phủ, chương trình chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Xin cảm ơn đồng chí!