Xử lý hơn 87.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Sáng 15/1/2025, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Tọa đàm "Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ".
Tọa đàm "Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ |
Về công tác tiếp nhận, xử lý đơn sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 152.619 đơn các loại (giảm 2,4% so với năm 2023), bao gồm: 89.033 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 5%) và 63.586 các loại đơn và yêu cầu khác (giảm 11,3%).
Trong đó, tiếp nhận 10.796 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích; 3.796 đơn kiểu dáng công nghiệp 63.961 đơn nhãn hiệu quốc gia, 151 đơn nhãn hiêu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; 9.960 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế; 23 đơn chỉ dẫn địa lý và 346 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.
Cục Sở hữu trí tuệ xử lý được 143.288 đơn các loại (tăng 13,9% so với năm 2023), bao gồm 87.048 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 17,4%) và 56.240 đơn/yêu cầu khác (tăng 8,8%); cấp 53.674 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 45,2% so với năm 2023).
Trong đó, về xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đã xử lý 9.581 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích; 3.311 đơn kiểu dáng công nghiệp; 64.091 đơn nhãn hiệu quốc gia, 221 đơn nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận và 9.501 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế; 9 đơn chỉ dẫn địa lý và 334 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.
Về văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đã xử lý được 4.875 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích; 2.001 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 46.616 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia, 171 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận và 11 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Năm 2024, công tác xây dựng chính sách, pháp luật tập trung vào việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản mới được ban hành. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp.
Đồng thời, triển khai xây dựng pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với đề mục sở hữu trí tuệ và hoàn thành việc sửa đổi và ban hành các mẫu văn bản trong quá trình xử lý đơn sở hữu công nghiệp theo quy định của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN (tổng cộng 282 mẫu văn bản).
Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã góp ý kiến cho 38 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành, gồm: 4 Luật, 15 Nghị định, 10 Thông tư, 9 Chương trình, Quyết định có nội dung về sở hữu trí tuệ; thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về hoặc có liên quan đến sở hữu trí tuệ và kiến nghị xử lý vướng mắc, xử lý hiệu lực; thường xuyên hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Trong năm 2025, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển tài sản trí tuệ; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và các chương trình quốc gia khác. |